Quản lý mẫn cán giúp các nhân viên trong nhà hàng gắn kết với nhau. Ảnh: e.C. |
Mối quan hệ giữa mọi người trong cửa hàng cũng là một vấn đề đau đầu ở chỗ tôi. Đặc biệt, sau khi trở thành cửa hàng trưởng, các bạn đó càng thường xuyên cảm thấy phiền muộn vì không biết làm thế nào để có thể hòa hợp với nhân viên dưới mình.
Ví dụ, “Nếu trách mắng nhân viên làm thêm, thì mối quan hệ đấy liền trở nên thật khó xử.” Có điều, tôi xin nói rằng vấn đề này là do các bạn hãy còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm chứ nó không phải vấn đề lớn gì.
Quả thật việc khiển trách người khác rất khó. Trước hết, điều bạn không được phép sai lầm là, bạn có thể khiển trách nhân viên, nhưng không được tức giận với họ. “Tức giận” chỉ đơn thuần là những cảm xúc nhất thời muốn kết tội, chỉ trích đối phương. Còn “khiển trách” là nhắc nhở, răn đe nhân viên cùng mong muốn nhân viên làm việc tốt lên. Ý nghĩa của hai trạng thái này hoàn toàn khác hẳn nhau.
Dù bạn biết rằng mình khiển trách là vì muốn tốt cho đối phương, nhưng thật khó để kiểm soát, và truyền tải chúng chính xác.
Cách khiển trách khéo léo là sau khi mắng, ta sẽ khen ngợi đối phương một hai điều. Bạn có thể khen ngợi nhân viên một chút như: “Hôm nay cậu tiếp đón khách rất tốt”. Bất kì ai được khen cũng cảm thấy vui, đặc biệt là nghe lời khen ngợi sau khi bị mắng thì họ sẽ càng cảm thấy vui hơn. Bản thân người mắng cũng từng phải đi qua con đường này để đến được vị trí bây giờ, nhưng họ đang quên mất điều này.
Có một điều bạn tuyệt đối không được phép làm, đó là mắng nhân viên ở chỗ có mặt khách hàng. Trước đây, từng có một người chủ cửa hàng sushi mắng một bạn trẻ ở ngay trước mặt tôi. Và thế là, tôi không còn muốn ăn sushi do bạn nhân viên đó làm ra nữa. Quán nhậu cũng giống vậy. Nếu nhân viên vừa nghe mắng xong, rồi phục vụ đồ ăn hay tiếp đón khách hàng, thì khách hàng cũng không thể cảm thấy vui vẻ trong lòng được.
Nếu mối quan hệ giữa các nhân viên không tốt, bầu không khí trong cửa hàng cũng sẽ trở nên tệ đi. Khi một cửa hàng có vấn đề, chúng ta có thể khẳng định 100% nguyên nhân là ở cửa hàng trưởng. Vì nếu cửa hàng trưởng làm việc một cách chắc chắn và có “tầm nhìn”, thì mối quan hệ giữa các thành viên trong quán không thể xấu đi được.
Đối với trường hợp quán tôi, các bạn cửa hàng trưởng đều muốn mở cửa hàng riêng của mình. Nếu có vấn đề gì phát sinh, chắc chắn đó là lúc tầm nhìn của các bạn ấy đang bị lung lay.
Mặc dù muốn mở cửa hàng nhưng không có tiền tiết kiệm, lại còn hay đến muộn nhất nữa, không chịu đi mua bán nhập hàng hoá, cũng không chịu rửa bát dọn dẹp. Đến nhà vệ sinh bạn cũng không dọn. Nên dù bạn có nói gì với cấp dưới thì họ cũng sẽ nghĩ là, “Hắn ta chỉ được cái nói hay là giỏi!” Bạn sẽ không thể nào xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người được.
Một khi đã mở quán, tất cả mọi thứ ở quán đều phải đến tay bạn. Nếu là việc ở bếp, bạn không chỉ quản việc nấu nướng mà còn phải mua bán hàng hoá cho đến cả việc rửa bát… Bạn phải nắm vững tất cả công việc thì mới có thể điều hành cửa hàng được.
Vậy nên từ lúc còn đang làm ở chỗ tôi, các bạn nhân viên đã luôn được khuyến khích tiên phong làm mọi việc. Những bạn một khi đã làm được những chuyện này thì ít khi phải đau đầu về mối quan hệ giữa các thành viên quán.
Nhiều bạn cửa hàng trưởng, sau khi “tốt nghiệp” ở chỗ tôi, đã mở quán riêng và điều hành quán rất tốt. Trong số đó có một bạn có lần đã để nguyên thịt gà tẩm bột rán qua đêm trong căn phòng có sưởi. Chỗ thịt gà đó là năm mươi chiếc cánh gà đã được tẩm ướp sẵn sàng cho hôm sau. Cuối cùng, chúng đã bị hỏng hết.
Nhưng bạn ấy làm vậy là vì bạn ấy không hề biết trong hoàn cảnh như vậy, thịt gà sẽ bị hỏng. Có thể bạn cảm thấy kinh ngạc nhưng thật ra chuyện này chẳng phải thất bại gì to tát cả.
Sau khi mắc sai lầm, bạn chỉ cần ghi nhớ, rồi sửa sai dần dần là được. Thời gian mỗi người trưởng thành là khác nhau. Ngay cả bạn nhân viên mắc sai lầm kia, khi xông xáo tiên phong làm việc, mối quan hệ của cậu ấy với nhân viên khác cũng không hề gặp trục trặc. Hơn nữa, cứ chăm chỉ, nỗ lực như thế, nhất định cậu ấy sẽ trưởng thành. Tôi nghĩ như vậy đấy.
Bình luận