Nguyên liệu tươi ngon sẽ làm nên món ăn hấp dẫn. Ảnh: G.Đ. |
Thời đại bây giờ, kể cả đầu bếp có tay nghề cũng phải nghĩ cách làm vui lòng khách hàng, cũng như cách tiếp đãi khách. Thật là một điều đáng sợ khi những người chẳng có mấy kĩ thuật về nấu nướng như chúng ta cũng phải cạnh tranh với những đầu bếp đó. Vậy nên, chưa bao giờ chuyện làm thế nào để “bán được” hàng lại trở nên quan trọng như bây giờ.
Tuy trong số những món ăn được bán đồng giá với mức giá rẻ cũng có món bán chạy, nhưng nếu chỉ vì rẻ thôi thì lượng khách hàng sẽ không ổn định được. Cửa hàng của một nhân viên từng làm chỗ tôi đã quyết định bán tôm sú với giá khoảng 100 yên/con. Điểm hấp dẫn của món này cũng giống kiểu tác động giá cả, đều là mánh khoé để khiến khách hàng vui vẻ.
Cửa hàng đấy đã thả vào những bể cá nhỏ trên mặt quầy vài con tôm sú. Những con tôm sú bật nhảy tanh tách trong bể cá đã truyền tải trực tiếp thông điệp về sự tươi ngon của nguyên liệu đến với khách hàng.
Làm gì có ai khi nghìn thấy chúng lại không muốn gọi món cơ chứ! Nếu quán chỉ ghi mỗi giá tiền trên thực đơn thì món tôm sú cũng không có sức hấp dẫn đến mức ấy được. Bạn trẻ đấy gần đây cũng vừa mở cửa hàng thứ hai. Hơn nữa, nếu tính cả hai cửa hàng, trong một tối bạn ấy đã bán được 100 con tôm sú! Thật là giỏi quá!
Khi có ý định ăn các món liên quan tới hải sản, khách hàng luôn quan tâm đến chất lượng của nguyên liệu. Việc tôm cá có tươi ngon không rất quan trọng. Điều này không chỉ đúng với hải sản, mà nó là quy tắc sống còn với tất cả nguyên liệu trong các nhà hàng, quán ăn. Đừng tham rẻ mà chọn những thứ phế phẩm, điều này sẽ khiến cho quán của bạn ế khách.
Quan trọng hơn việc giảm giá thành, chính là tăng lượng khách, từ đó doanh thu chắc chắn sẽ tăng. Nếu đó là bữa ăn giá rẻ, nhưng dở tệ, khách chỉ ghé nhà hàng của bạn một lần mà thôi. Dù giá cả có nhỉnh hơn các quán ăn cùng khu vực, nhưng nếu thấy ngon miệng khách hàng nhất định sẽ quay lại.
Không chỉ tôm sú, cậu thanh niên đó rất nghiêm túc với chuyện bán hàng, vậy nên cậu ấy mới có thể khiến cửa hàng trở nên đông khách. Cậu ấy luôn mặc đồng phục thẳng thớm. Khi khách hàng mở cửa và nhìn vào bên trong quán, nếu nhìn thấy những nhân viên mặc đồng phục gọn gàng, họ sẽ cảm thấy dễ chịu đúng không nào? Họ hẳn sẽ cảm thấy “Ồ, quán này tốt đây!”
Chỉ cần bạn treo đồng phục lên mắc là hôm sau bạn đã có một bộ phẳng phiu rồi. Nhưng những bạn không có ý thức giữ gìn hình ảnh trước mắt khách hàng, họ sẽ không thể tinh ý đến mức đó, họ có thể quăng quật bộ đồng phục vào đâu đấy. Khoảng cách giữa hai người có khi chỉ cách nhau 2 mm mà thôi. Nhưng những khoảng cách 2 mm cứ tích tụ lại, rồi dần dần trở thành một cách biệt rất lớn.
Nên nhớ, hãy chăm chút cho quán ăn của bạn như cách bạn chăm lo cho ngôi nhà của mình, tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ. Làm được điều này, nhất định bạn sẽ thành công.
Bình luận