Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 70 năm trước, người Sài Gòn thưởng xuân bằng dầu cù là và guốc

Giữa một năm kinh tế khủng hoảng, chí sĩ Nguyễn An Ninh lập gian hàng Tết cạnh chợ Bến Thành. Gian hàng đặc biệt bán dầu cù là, guốc... đông nghẹt người mua.

Câu chuyện về gian hàng Tết của chí sĩ Nguyễn An Ninh được tác giả Trần Văn kể trên báo Tiếng Chuông xuân Bính Thân 1956. Mới đây, bài viết được đưa vào sách Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa do nhà báo Phạm Công Luận tuyển chọn.

Gian hang Tet cua Nguyen An Ninh anh 1

Nhà trí thức Nguyễn An Ninh (trái) tại Pháp năm 1928.

Đó là cuối năm 1933, sau những ngày hoạt động hăng hái, bị tù đày lần thứ hai rồi ra tù, chí sĩ Nguyễn An Ninh bị thực dân khủng bố, theo dõi gắt gao. Không thể hoạt động trong thành, ông đành về quê (Mỹ Hòa, Quán Tre, Hóc Môn) tìm kế sách.

Trong khoảng 6 năm, từ khi tham gia hoạt động, lúc làm báo, khi sang Pháp diễn thuyết, lúc ngồi tù, ông không làm được việc gì ra tiền. “Bà Ninh thì bao nhiêu vàng bạc, tiền riêng của bà đều bán xài gần hết”, tác giả Trần Văn viết.

Mỗi lần về quê, không thể làm được gì ông Ninh rất buồn, nhưng ở lại thành phố thì gặp nhiều khó khăn. Tết gần đến, Nguyễn An Ninh nói những người anh em của mình hãy bán chợ Tết. Mọi người hỏi nên bán mặt hàng gì thì nhà chí sĩ bảo bán món gì cũng được.

Gian hàng của Nguyễn An Ninh lập ngang bến xe đi Thủ Dầu Một. Đó là một năm kinh tế khủng hoảng, ai cũng nghèo, sợ không đủ ăn trong ba ngày Tết. Vậy mà Nguyễn An Ninh mở gian hàng lấy tên là “Năm nay còn ăn Tết được”.

Khi mở gian hàng, vốn liếng của Nguyễn An Ninh chỉ có 10 đồng, dùng để mua cây và lá để dựng gian hàng là hết. Tiền mua hàng để bán không còn, ai cũng bảo lập gian hàng ra rồi để bỏ.

Gian hang Tet cua Nguyen An Ninh anh 2

500 chai cù là Thoại Dư Đường đã được Nguyễn An Ninh bán hết trong buổi sáng chợ Tết.

Không có tiền “cất hàng”, một người bạn gửi 500 chai dầu cù là hiệu Thoại Dư Đường đến bán. Ngày Tết người ta mua bán thực phẩm, đồ ăn, đồ trưng bày, thì gian hàng này bán dầu cù là. Ấy vậy mà gian hàng nhỏ chỉ bán một món không dành để ăn Tết ấy lại thu hút được khách. Ông Nguyễn An Ninh đích thân đứng ra bán, ông rao to một hồi thì người ta đến mua, mua nhiều tới mức trả tiền thừa không kịp.

“Ông Ninh rao mệt thì có ông Hùm (Phan Văn Hùm) tiếp, bán như vậy trọn buổi sớm mai gần hết 500 chai cù là. Buổi chiều có mấy người quen đem đồ đến gửi thêm”.

Vì vậy, cho đến buổi chiều ngày 25 tháng chạp, gian hàng “Năm nay còn ăn Tết được” đã có thêm một số mặt hàng như: bánh in Bổn Lập, trà Nghi Bồi Nhâm, xà bông con cọp, xi-rô Hiệp Hòa và bán cả guốc của sư Thiện Chiếu.

Nhờ tên gian hàng ý nghĩa, nhờ lối bán hàng mà người bán đích thân đứng rao, và cũng nhờ Nguyễn An Ninh được nhiều người yêu kính nên gian hàng luôn đông khách.

Gian hang Tet cua Nguyen An Ninh anh 3
Sách Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa

Tác giả Trần Văn nhớ lại: “Người ta chen nhau mua các món kể trên mà không một ai thừa dịp đông người để quỵt. Có người không lấy tiền thối mà đi luôn. Dường như thiên hạ xúm nhau mua cù là, xà bông, guốc và mấy món đồ của ông Ninh về ăn Tết”.

Gian Hàng của ông Ninh, ông Hùm ở ngang bến xe Thủ Dầu Một, những ngày giáp Tết, người ta ra bến xe đi lại nhiều. Vì thế khi người mua đứng ở gian hàng đông khiến cả con đường trở nên tắc, khó mà đi lại.

Cho tới sáng ngày 30 thì họ đã bán sạch các mặt hàng, không còn gì để bán. Số tiền thu được là 5.000 đồng bạc - số tiền khá trong một năm kinh tế suy thoái. Sau khi trả tiền cho chủ hàng, 10 anh chị em bán ở gian hàng “Năm nay vẫn còn ăn Tết được”, mỗi người nhận 35 đồng.

Sở dĩ gian hàng của Nguyễn An Ninh bán dầu cù là, guốc dịp Tết mà đắt khách như vậy, theo Trần Văn là do “Đồng bào bao giờ cũng biết mến thương giúp đỡ những người vì dân vì nước mà phải chịu cơ cực”. Một “bí quyết” nữa là do Nguyễn An Ninh đứng bán ở chợ đã rao thật to, nhờ tài hùng biện của mình mà nhiều người ủng hộ.

Ngày nay, đoạn đường nơi có gian hàng "Năm nay còn ăn Tết được" đã được đổi tên thành đường Nguyễn An Ninh.

Tết Nguyên đán của người Việt xưa qua ghi chép của người nước ngoài

Những ghi chép này không chỉ mô tả không khí Tết Nguyên đán ở chốn cung đình mà còn ở cả trong chúng dân và cho biết tâm lý của người Việt trong dịp lễ Tết này.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm