Thỏa thuận, bao gồm các nước có lượng khí thải lớn nhất như Trung Quốc và Mỹ, chia các quốc gia thành 3 nhóm với những thời hạn khác nhau để cắt giảm hydrofluorocarbon (HFC). HFC được coi là chất gây hiệu ứng nhà kính nhiều gấp 10.000 lần so với CO2.
Theo Reuters, các quốc gia phát triển, trong đó có nhiều nước châu Âu và Mỹ, cam kết bắt đầu cắt giảm 10% lượng HFC vào năm 2019, sau đó là 85% vào năm 2036.
Thời hạn bắt đầu cắt giảm HFC ở các nước đang phát triển là năm 2024 hoặc 2028.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu tại Kigali, Rwanda ngày 14/10, Ảnh: Getty. |
Trước đó, hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Paris năm 2015 (COP21) yêu cầu hầu hết các quốc gia trên thế giới phải chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn như năng lượng mặt trời và gió và nâng cao hiệu suất năng lượng để đảm bảo mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.
Thỏa thuận Kigali chỉ có một mục tiêu duy nhất là cắt giảm HFC, chất khí được sử dụng phổ biến trong sản xuất tủ lạnh và máy điều hòa.
Dù cuộc đàm phán tại Kigali cũng không thu hút được sự chú ý như hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Paris năm ngoái, kết quả của nó có thể mang đến tác động tương đương hoặc thậm chí lớn hơn.
Thỏa thuận này có tính ràng buộc về mặt pháp lý với lịch trình cụ thể, kèm theo thỏa thuận hỗ trợ thích nghi với công nghệ mới mà các nước giàu dành cho nước nghèo.
"Đây bước quan trọng nhất mà chúng ta có thể đạt tại thời điểm hiện tại nhằm giảm sự nóng lên của trái đất và hạn chế điều đó cho thế hệ tương lai", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trước các nhà đàm phán ở Kigali.
"Năm ngoái tại Paris, chúng ta hứa sẽ giữ cho thế giới an toàn, tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Hôm nay, chúng ta đã thực hiện lời hứa đó", Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Erik Solheim, tuyên bố.
Các nhà khoa học cho biết giảm nhanh HFC có khả năng hạn chế biến đổi khí hậu hiệu quả.