Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

COP21 thông qua thỏa thuận lịch sử về khí hậu

Đại diện của 195 quốc gia tại COP21 ngày 12/12 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C.

Thông qua thỏa thuận lịch sử về chống biến đổi khí hậu Tiếng vỗ tay chúc mừng kéo dài vài phút, nhiều người hò reo vui sướng hoặc rơi nước mắt khi thỏa thuận Paris được thông qua.

Đại diện nước chủ nhà, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, tuyên bố kết thúc cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu kéo dài gần nửa tháng, đánh dấu sự đồng thuận giữa các bộ trưởng. Tiếng vỗ tay chúc mừng kéo dài vài phút, nhiều người hò reo vui sướng hoặc rơi nước mắt.

“Tôi thấy phản ứng tích cực trong phòng hội nghị. Tôi không thấy sự phản đối nào. Thỏa thuận khí hậu Paris đã được thông qua”, AFP dẫn lời ông Fabius phát biểu.

Quay sang nhìn chiếc búa nhỏ màu xanh, vật mà ông sẽ sử dụng để đánh dấu sự thành công của thỏa thuận, ông Fabius nói: “Nó có thể chỉ là một chiếc búa nhỏ nhưng có thể làm những việc lớn".

Thỏa thuận có hiệu lực từ sau năm 2020, kết thúc sự tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.

Năm 2015 được dự báo là năm nóng kỷ lục. Lãnh đạo thế giới và các nhà khoa học cho biết, thỏa thuận nhằm khống chế nhiệt độ tăng cao và ngăn ngừa những thiệt hại tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Nếu không hành động khẩn cấp, nhân loại sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng, bão, lũ lụt và nước biển dâng sẽ nhấn chìm các đảo, vùng ven biển, nơi hàng trăm triệu người đang sinh sống.

Thắng lợi cho các thế hệ

“Đó là chiến thắng cho toàn bộ hành tinh và cho các thế hệ tương lai”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với đại diện các nước trong hội nghị tại Le Bourget, ngoại ô thủ đô Paris. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, thỏa thuận là cơ hội thuận lợi nhất để cứu hành tinh mà chúng ta đang sống.

“Không một quốc gia hay một cá nhân nào có thể giải quyết được thách thức này một mình. Và một đất nước dù nhỏ thế nào đi nữa cũng không thể đứng ngoài cuộc. Tất cả chúng ta phải cùng nhau giải quyết”, ông Obama phát biểu.

Tổng thống Mỹ ca ngợi đây là thỏa thuận khí hậu nhiều tham vọng nhất trong lịch sử, đồng thời kêu gọi các quốc gia cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Mỹ là nước gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới. Obama cam kết cắt giảm khoảng 26-28% tổng lượng khí thải nhà kính của quốc gia vào năm 2030. 

Ông Obama cũng thừa nhận rằng, không thỏa thuận nào hoàn hảo, bao gồm cả thỏa thuận khí hậu lần này. “Chúng ta không nên tự mãn. Vấn đề sẽ không được giải quyết nếu chỉ là thỏa thuận”.

Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande (phải), Ngoại trưởng Pháp - Chủ tịch Hội nghị COP21 Laurent Fabius, Thư ký điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Christiana Figueres và Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon vui mừng sau cuộc họp cuối cùng của COP21 ngày 12/12. Ảnh: AP

Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và tạo ra lượng khí thải lớn gây hiệu ứng nhà kính, cũng ca ngợi thỏa thuận khí hậu được thông qua như một bước tiến đến tương lai tốt đẹp hơn.

“Những điều chúng tôi đã thông qua không chỉ là một thỏa thuận, chúng tôi đã viết ra một chương mới cho hy vọng về cuộc sống của 7 tỷ người trên hành tinh này. Ngày hôm nay, chúng ta cam đoan với thế hệ tương lai rằng chúng ta sẽ cùng nhau giảm thiểu những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và sẽ giúp Trái đất trở nên tốt đẹp hơn”, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar phát biểu trong tiếng vỗ tay kéo dài của đại diện các nước.

Đại diện Trung Quốc Xie Zhenhua cho biết, thỏa thuận này cho thấy các quốc gia trên thế giới vừa có một bước tiến lịch sử. “Các quốc gia đã có sự lựa chọn đúng đắn và đem lại lợi ích cho người dân của họ, chịu trách nhiệm cho thế hệ tương lai và đem lại lợi ích cho sự phát triển bền vững của toàn thế giới. Đây thực sự là hành động kỳ diệu mà thế hệ chúng ta đã thực hiện”.

Giải quyết vấn đề tài chính

Hội nghị khí hậu tại Paris đặt ra mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ Cách mạng công nghiệp, thậm chí chỉ là 1,5 độ C vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu trên, các quốc gia phải chuyển đổi sang các nguồn sạch hơn như năng lượng mặt trời và gió và nâng cao hiệu suất năng lượng. Một số nước cũng đẩy mạnh việc theo đuổi năng lượng hạt nhân, không tạo ra khí thải nhà kính.

Về vấn đề tài chính, các nước đang phát triển cho rằng nước giàu phải gánh vác phần lớn trách nhiệm giải quyết biến đổi khí hậu bởi những quốc gia này tạo ra lượng khí thải lớn từ thời kỳ trên.

Mỹ và các quốc gia phát triển khác phản đối việc họ phải gánh phần lớn trọng trách và cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải làm nhiều hơn nữa. Các nước đang phát triển tạo ra lượng lớn khí thải hiện nay và đó là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên.

Tuy nhiên, các nước phát triển đồng ý đóng góp ít nhất 100 tỷ USD một năm, kể từ năm 2020 để giúp các quốc gia đang phát triển nhưng do sự phản đối của Mỹ, điều này không được ghi trong phần ràng buộc pháp lý của thỏa thuận. Trong nỗ lực nhằm tăng cường sự cam kết của các quốc gia, thỏa thuận sẽ tiến hành đánh giá cam kết 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 2030. 

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam

Hàng loạt sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng đang tan và thực trạng đó có thể gây nên tác động xấu đối với Việt Nam và nhiều nước châu Á khác.

Thế giới sẽ ra sao khi trái đất nóng lên?

Hàng loạt câu hỏi liên quan tới khí nhà kính, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ trái đất nóng lên, được đặt ra trong bối cảnh lãnh đạo thế giới họp bàn về biến đổi khí hậu ở Pháp.



Tống Hoa - Phan Anh

Bạn có thể quan tâm