Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

COP21 đạt thỏa thuận chung cho thỏa thuận Paris

Ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu COP21 cho biết các đoàn đàm phán đã thống nhất về nội dung dự thảo của văn kiện chung sau gần hai tuần thảo luận.

Một quan chức từ văn phòng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tiết lộ với AFP rằng, dự thảo cuối cùng của văn kiện sẽ được trình lên bộ trưởng các nước dự hội nghị vào chiều tối ngày 12/12 (giờ Hà Nội). Đến nay, họ chưa tiết lộ chi tiết về các thỏa thuận đạt được.

"Chúng tôi đã có nội dung để trình lên", nguồn tin nói. Ông cho biết, văn bản này sẽ được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Sinh thái Peru Manuel Vidal; Bộ trưởng Sinh thái, Năng lượng và Phát triển Bền vững Pháp Segolene Royal; Bộ trưởng Môi trường Morocco Hakima el Haite phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ hội nghị COP21 ngày 11/12. Ảnh: Getty

Trước đó, Ngoại trưởng Fabius tự tin tuyên bố rằng "điều kiện hiện nay chưa bao giờ tốt hơn" để các bên đạt được một thỏa thuận tham vọng và hiệu lực mạnh. Ông Fabius là người giám sát những cuộc thảo luận để vạch ra nội dung văn kiện.

Theo BBC, các đoàn đàm phán đã được nhiều tiến bộ quan trọng trong bản dự thảo mới nhất, cho thấy các nước đã có sự thỏa hiệp với nhau. Nhìn chung, các quốc gia đều ủng hộ mục tiêu khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là những ngôn từ quy định cam kết phải cắt giảm khí thải nhà kính về dài hạn.

Lượng khí thải carbon mà các quốc gia cần cắt giảm là trọng tâm đàm phán giữa các quốc gia dự COP21. Nếu các nhà lãnh đạo không tìm được sự đồng thuận, nhiệt độ trái đất sẽ tăng tới hơn 4 độ C vào năm 2100.

Riêng Paris, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, có thể tăng tới gần 4 độ vào cuối thế kỷ này. Do vậy, các nhà lãnh đạo sẽ phải giải quyết loạt thách thức với COP21 để tìm ra được thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.

Các nước cũng tranh cãi về định nghĩa nước phát triển và đang phát triển. Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia dẫn đầu nhóm các nước đang phát triển đang nỗ lực chống lại kế hoạch của Mỹ và EU. Họ đòi Mỹ chi 100 tỷ USD mỗi năm cho quỹ hoạt động về khí hậu như cam kết của Tổng thống Obama tại Copenhagen, Đan Mạch, năm 2009.

Hội nghị khí hậu vẫn căng trước giờ bế mạc

Dù rất mệt mỏi, các vị bộ trưởng vẫn phải đàm phán liên tục trong ngày 10/12 để đạt một thỏa thuận về biến đổi khí hậu trong hội nghị tại Paris.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm