Khẩu trang trở thành vật bất ly thân của nhiều người Trung Quốc mỗi khi họ bước ra khỏi nhà. Ảnh: Getty Images |
Sau Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris từ ngày 30/11 tới 13/12, giới chức Trung Quốc tuyên bố rằng, nỗ lực của Bắc Kinh trong hội nghị cho thấy họ đã hành xử như một nước lớn có trách nhiệm, AP đưa tin.
Trung Quốc là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Nhiều quan chức và chuyên gia cáo buộc Bắc Kinh cản trở thỏa thuận về giảm khí thải trong hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2009.
Nhưng tại hội nghị ở Paris, Trung Quốc phát thông điệp chính trị mạnh mẽ về việc họ muốn một hiệp định ra đời ở Paris. COP21 kết thúc hôm 13/12 với một thỏa thuận nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1 độ C trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2100.
Jiang Kejun, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc, nhận định rằng nỗ lực của Bắc Kinh là kết quả của những thách thức môi trường trong nước và do những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn sau mỗi năm.
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã tới mức nguy hiểm và hiện tượng bầu trời xám xịt vì khói mù xảy ra thường xuyên ở nhiều vùng của nước này. Mới đây, chính quyền thành phố Bắc Kinh phải ban bố báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất - về tình trạng không khí bẩn ở thủ đô. Mặt nạ phòng độc, khẩu trang, máy lọc không khí đang trở thành những sản phẩm người dân Trung Quốc mua rầm rộ trong thời gian qua. Một bộ phận người giàu Trung Quốc tìm cách ra nước ngoài để tránh không khí bẩn trong nước.
Trong khi đó, dù mới ký thỏa thuận biến đổi khí hậu tuần trước, Nhật Bản và Hàn Quốc lại công bố kế hoạch xây thêm nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá. Theo kế hoạch, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á sẽ xây dựng ít nhất 60 nhà máy nhiệt điện trong 10 năm tới, Reuters cho hay. Động thái ấy khiến dư luận nghi ngờ cam kết của họ về giảm khí CO2. Giới chức năng lượng của cả hai nước đều khẳng định kế hoạch của họ sẽ không thay đổi.
Giới phân tích nhận định Nhật Bản và Hàn Quốc có thể giảm lượng khí thải carbon nhiều hơn so với cam kết của họ tại Paris.
"Đối với châu Á, sự chú ý của dư luận tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ. Vì thế chúng ta thấy Nhật Bản và Hàn Quốc không chịu áp lực lớn trong quá trình đàm phán. Nhưng tôi nghĩ áp lực với hai nước sẽ tăng trong thời gian tới", Georgina Hayden, một chuyên gia của tổ chức BMI Research, bình luận.