Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống biến đổi khí hậu: Từ Kyoto, Copenhagen đến Paris

Thỏa thuận Paris đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gần 30 năm nhằm tìm kiếm giải pháp chung hạn chế khí thải nhà kính gập ghềnh và đầy thử thách.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ôm chúc mừng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sau khi các nhà lãnh đạo tuyên bố thông qua thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu ngày 12/12. Ảnh: Getty

Gần 30 năm trước, giới khoa học đã cảnh báo nguy cơ trái đất ấm dần lên. Năm 1988, Liên Hợp Quốc (LHQ) thành lập một ủy ban quốc tế bao gồm các chuyên gia uy tín điều tra hiện tượng này. Hai năm sau, ủy ban báo cáo tình trạng khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch đang tăng nhanh, khiến bề mặt trái đất nóng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống khí hậu của hành tinh.

Năm 1992, LHQ tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh trái đất” ở Rio de Janeiro (Brazil), lập Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (CNFCCC), mở đường cho việc đàm phán các hiệp ước quốc tế hạn chế khí thải nhà kính. Năm 1995, hội nghị biến đổi khí hậu LHQ đầu tiên (COP-1) được tổ chức tại Berlin (Đức). Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các bằng chứng khoa học về sự thay đổi của khí hậu vẫn còn mới mẻ và ít ỏi, dù tình trạng khí thải nhà kính gia tăng trong bầu khí quyển là khá rõ ràng.

Thất bại nối tiếp thất bại

Các nhà khoa học quốc tế xác định việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Do đó, năm 1997 các nước nhóm họp ở Kyoto (Nhật Bản) để tìm giải pháp. Sau hai tuần đàm phán, hội nghị vẫn bế tắc. Nhiều nhà lãnh đạo lo ngại nền kinh tế đất nước họ sẽ sụp đổ nếu không có năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Cuối cùng, sau những cuộc đàm phán đầy căng thẳng, Nghị định thư Kyoto ra đời, đặt khung thời gian 2008 - 2012 để các nước công nghiệp giảm lượng khí thải nhà kính khoảng 5,2% so với mức của thập niên 1990. Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển không phải thực hiện nghĩa vụ này. Phó tổng thống Mỹ Al Gore khẳng định các nước đang phát triển có quyền phát triển kinh tế, giảm đói nghèo.

Đại biểu dự COP21 hoan nghênh việc thông qua thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty

Các nước phát triển có 10 năm để chuẩn bị cho nhiệm vụ giảm khí thải nhà kính. Nhưng Quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố thỏa thuận này là thiếu công bằng. Và trong 10 năm đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển vũ bão, xả lượng khí thải nhà kính khổng lồ. Năm 2006, Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia xả khí thải lớn nhất thế giới.

NRP dẫn lời ông Valli Moos, đại biểu phái đoàn Nam Phi ở Kyoto, nhận định: “Không thể có một thỏa thuận thực chất nếu không có sự tham gia của Trung Quốc và Mỹ”. Rất nhiều nước phát triển sau đó tuyên bố tách ra khỏi Nghị định thư Kyoto hoặc phớt lờ cam kết giảm khí thải nhà kính. Năm 2007, ủy ban biến đổi khí hậu của LHQ công bố báo cáo cảnh báo các bằng chứng về hiện tượng biến đổi khí hậu là quá rõ ràng. Ủy ban dự báo thế giới sẽ phải hứng chịu vô số thiên tai và mực nước biển dâng.

Nghị định thư Kyoto tỏ ra hoàn toàn vô tác dụng bởi nó không tính đến yếu tố chính trị trong nước của các quốc gia. Năm 2009, các nước nhóm họp ở Copenhagen (Đan Mạch) với mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto. Nhưng đó là một thất bại thảm hại và đáng xấu hổ của cộng đồng quốc tế. Các nước giàu vẫn lo ngại nguy cơ kinh tế suy yếu. Các nước đang phát triển muốn tiếp tục xả khí thải để thúc đẩy nền kinh tế.

Thông điệp của phe đang phát triển, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, là các nước phát triển đã xả khí thải suốt 300 năm qua, giờ là lúc họ phải chi tiền cứu khí hậu trái đất. Ở Copenhagen, Trung Quốc là quốc gia “phá” các nỗ lực chống biến đổi khí hậu nhiệt tình nhất. Phái đoàn Trung Quốc nói không với mọi đề xuất, Thủ tướng Ôn Gia Bảo không đến dự họp với lãnh đạo các nước, thay vào đó cử quan chức cấp thấp để đại diện Bắc Kinh.

Chiến lược mới

Sự sụp đổ của hội nghị Copenhagen đã kích thích một tư duy mới. Các quan chức quốc tế hiểu ra rằng không thể ép các nền kinh tế lớn phải làm những việc họ không muốn làm. Phương pháp tiếp cận “ép từ trên xuống dưới” này không thể thành công. Một chiến lược mới được đưa ra. Đó là các chính phủ tự nguyện đề ra mục tiêu giảm khí thải theo tính toán phù hợp với nhu cầu của nước mình.

Và không chỉ các nước phát triển, cả các nước đang phát triển cũng phải cắt giảm khí thải. Đây là cách tiếp cận “từ dưới lên trên”. Một yếu tố nữa giúp đem lại sự thành công cho hội nghị Paris là các nền kinh tế đang phát triển lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cuối cùng đã phải nếm trải hậu quả môi trường của chiến lược phát triển kinh tế mù quáng.

Từ vài năm qua, các thành phố miền Bắc Trung Quốc thường xuyên chìm ngập trong khói bụi ô nhiễm, hiện tượng bị giới truyền thông quốc tế mô tả là “ô nhiễm không khí tận thế”. Những ngày hội nghị Paris diễn ra, thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lân cận phải ban bố báo động đỏ về ô nhiễm không khí. Chỉ số ô nhiễm PM2,5 ở Bắc Kinh tăng cao gấp 25 lần mức an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Rốt cuộc chính phủ Trung Quốc cam kết tăng thị phần năng lượng phi hóa thạch, hỗ trợ các nước nghèo 3 tỷ USD chống biến đổi khí hậu. Tương tự, những ngày qua thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng ngập trong màn khói bụi ô nhiễm, chỉ số PM2,5 tăng vọt. Trung Quốc và Ấn Độ từ “kẻ phá” ở Copehagan đã chấp nhận tham gia xây dựng một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ở Paris.

Và cuối cùng hội nghị Paris đã thành công. Nhưng đó cũng mới chỉ là một bước đi cần thiết của nhân loại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vẫn còn rất nhiều thử thách ở trước mắt. Giới khoa học cảnh báo mục tiêu cắt giảm khí thải của nhiều quốc gia là không đủ để ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng quá 2 độ C. Và các nỗ lực của chính phủ Mỹ có thể đổ vỡ nếu một tổng thống Đảng Cộng hòa lên nắm quyền.

Đã gần 30 năm trôi qua, nhưng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu.

COP21 thông qua thỏa thuận lịch sử về khí hậu

Đại diện của 195 quốc gia tại COP21 ngày 12/12 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C.



Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm