Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo đầu tiên ký thỏa thuận trong buổi lễ ở trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ. Sau đó, lãnh đạo từ các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu cùng đặt bút ký.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bế cháu gái hai tuổi tới buổi lễ và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các đại biểu khi ông ký vào thỏa thuận lịch sử.
"Đây là thời điểm trong lịch sử. Hôm nay các ngài đang ký một giao ước mới với tương lai", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bế cháu gáiIsabelle khi ký thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP |
Theo lãnh đạo Pháp Hollande, ông sẽ thúc giục quốc hội phê chuẩn thỏa thuận trước mùa hè này.
Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ cho biết, họ sẽ phê chuẩn thỏa thuận trong năm nay và đang hối thúc các nước khác đẩy nhanh quy trình để thỏa thuận có thể được thực thi sớm nhất vào cuối năm 2016 hoặc năm 2017.
Thỏa thuận Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Nhiều người hy vọng rằng, thỏa thuận về khí hậu sẽ có hiệu lực sớm hơn nhiều so với hạn chót ban đầu là năm 2020.
Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015.
Hội nghị đặt ra mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ cách mạng công nghiệp, thậm chí chỉ là 1,5 độ C vào năm 2030.