TP HCM là một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất thế giới trước biến đổi khí hậu. Khoảng 70% diện tích TP HCM có thể bị ngập nghiêm trọng trong vài thập kỷ tới, theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đánh giá của ADB dựa theo dự báo của Liên Hợp Quốc về tình trạng nước biển sẽ tăng thêm 26 cm vào năm 2050.
Chính quyền TP HCM gần đây thông báo các biện pháp phòng chống lũ trong 5 năm tới trị giá khoảng 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, thành phố này không phải là địa phương duy nhất tại Việt Nam đứng trước nguy cơ lớn về ngập lụt. Khoảng 60% đô thị trên cả nước nằm cao hơn mực nước biển 1,5 m trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan ngày càng trầm trọng và lan rộng.
Năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh trải qua đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong 40 năm, với lưu lượng nước dâng cao ở các mỏ than lộ thiên rộng hàng nghìn hecta. Nước cũng tràn vào các nhà máy điện chạy bằng than và nhiều khu vực ở Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Mối nguy từ các hồ chứa
Năm nay, tình hình đảo ngược khi nhiều tháng lượng mưa luôn ở dưới mức trung bình, dẫn tới hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Mực nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1926.
Các nước láng giềng như Lào, Campuchia đang khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi xây dựng 11 đập thủy điện trên sông Mekong.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực các tỉnh thành phía tây TP HCM, chiếm 22% dân số và 20% GDP của cả nước. Marc Goichot, Giám đốc chương trình Greater Mekong thuộc Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho rằng, việc xây dựng hồ chứa tại lưu vực làm cản trở dòng chảy tự nhiên với các nguồn trầm tích quan trọng, vốn cung cấp phù sa cho đồng bằng sông Mekong.
Trang trại nuôi cá trên dòng Mekong ở ĐBSCL. Ảnh:
Bill Bradley |
“Châu thổ sông Mekong thực sự đang lún dần và bị thu hẹp”, trang ABC News của Australia dẫn lời ông Goichot nói. Theo ông, các hoạt động ở thượng nguồn, nạn hút cát quá mức và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân dẫn tới hiện trạng của sông Mekong.
Theo ông Goichot, ĐBSCL liên tục lấn đất về phía biển trong 6.000 năm qua. Nhưng hơn 20 năm gần đây, tình hình đã khác khi hơn một nửa trên tổng số 600 km đường bờ biển của ĐBSCL có hiện tượng xói mòn, mất trung bình từ 4 tới 12 m mỗi năm. Các hồ chứa mới do các công ty Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia xây dựng cũng là tác nhân gây nên tình trạng xói mòn như hiện nay.
“Sống chung với lũ”?
Năm 1990, lượng phù sa đổ về ĐBSCL là khoảng 160 triệu tấn bùn cát/năm. Nhưng giờ đây, con số này chỉ dừng lại ở 75 triệu tấn.
Theo ông Goichot, sự thay đổi hàm lượng dinh dưỡng trong trầm tích sẽ tác động tiêu cực, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực. Trầm tích được coi là “một loại phân bón tự nhiên đối với đất nông nghiệp và đóng vai trò quan trọng đối với vùng nội địa, các loại cá sống ở ven biển và đa dạng sinh học”. “Biến đổi khí hậu chỉ gây ra điều tồi tệ hơn như các hiện tượng thời tiết làm tăng nguy cơ xói mòn”, ông nói.
Tuy nhiên, điều đáng báo động là ngày càng nhiều dự án thủy điện sẽ được xây dựng trên sông Mekong trong khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét. “Nếu các bạn muốn phát triển kinh tế bền vững, điều quan trọng nhất là vấn đề quản lý nước cần được đề cao trong kế hoạch quốc gia”, giám đốc chương trình Greater Mekong cảnh báo.
Những chiếc xuồng là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân ĐBSCL. Ảnh: ABC |
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc trường Đại học Cần Thơ cho hay, người dân khu vực ĐBSCL sẵn sàng đối mặt với điều thời tiết khắc nghiệt. “Họ áp dụng phương châm: Sống chung với lũ”, ông Tuấn nói với ABC.
Tiến sĩ Tuấn giải thích, phương châm này được đúc kết qua nhiều thế hệ khi họ luôn phải đối phó trước lũ từ thượng nguồn và triều cường hàng năm.
Hiện tượng xói mòn, do các hồ chứa từ thượng nguồn cùng biến đổi khí hậu, dẫn tới lo ngại về tình trạng ngập lụt tại các đô thị thuộc ĐBSCL.
Vấn đề đặt ra ở đây là các địa phương đang thiếu các biện pháp dự báo thiên tai chính xác và kịp thời cùng sự phối hợp lỏng lẻo giữa các bộ ngành và tỉnh thành.
Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của TP HCM và chính quyền các tỉnh thuộc ĐBSCL là họ đánh giá thấp những gì đang xảy ra. Theo ông tiến sĩ Tuấn, ít người nắm rõ tầm quan trọng của việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và tính bền vững; an ninh lương thực và dân số.