Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lào xả nước đập thủy điện giúp Việt Nam xử lý hạn mặn

Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào cho biết nước này sẽ tiến hành xả nước một số đập thủy điện nhằm tăng lưu lượng nước chảy vào sông Mekong, giúp Việt Nam giải quyết hạn mặn ở ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, kể từ ngày 23/3 đến cuối tháng 5, Lào sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện với lưu lượng nước khoảng 1.136 m3/s.

Cùng với lượng nước xả từ đập thủy điện của Trung Quốc và từ một số con sông khác của Thái Lan, ước tính tổng cộng lượng nước từ sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam vào khoảng 3.611 m3/s.

Dự kiến lượng nước trên sẽ tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào tuần đầu tháng 4, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.

han man o dong bang song cuu long anh 1
Một con đập của Lào. Ảnh: EDF

Trước đó, theo đề nghị của phía Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu xả lũ ở đập Thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 đến ngày 10/4, để giúp các nước ở hạ lưu sông Mekong, bao gồm Việt Nam, khắc phục tình trạng hạn hán.

Trong năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua ở miền Tây. Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng diễn biến bất thường, cực đoan.

Đây là đợt thiên tai khốc liệt, hạn hán nghiêm trọng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Theo dự báo, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng cao hơn 10 - 20% năm trước nhưng tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực lại có nguy cơ thiếu 20 - 40% so với trung bình nhiều năm. Do đó mực nước sông Cửu Long sẽ ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

han man o dong bang song cuu long anh 2

Hàng loạt thủy điện của các nước xây dựng trên sông Mekong. Đồ họa: 

Phượng Nguyễn

Ngoài tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng tại các nước ở hạ nguồn Mekong trong bối cảnh một số nước thúc đẩy xây đập thủy điện. Sự can thiệp của các quốc gia ở thượng nguồn đang làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến ngư trường và nông trường truyền thống của các nước trong lưu vực.

Đến nay, Trung Quốc đã xây 6 đập thủy điện trải dọc sông Mekong. Lào và Campuchia định xây thêm hơn 10 đập, và không dừng lại ở đó. Các đập thuỷ điện của Trung Quốc ở phía bắc và nhiều công trình đang được xây dựng ở Lào, đã ảnh hưởng đến hoạt động di cư của các đàn cá và chặn lượng phù sa bồi đắp ở phía hạ lưu. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang có kế hoạch xây dựng nhiều đập ở đây.

Những con đập lớn làm thay đổi chất lượng nguồn nước và dòng chảy, làm giảm chất dinh dưỡng trong lượng phù sa trôi xuống hạ nguồn. Ngoài ra, việc sụt giảm lượng nước ngọt đổ từ các con sông ra biển đã làm thay đổi độ mặn trong nước ở những vùng cửa sông.

Xâm nhập mặn sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và các vựa lúa ở đồng bằng, vốn phụ thuộc lớn vào phù sa của các con sông, đặt ra những thách thức về sinh kế của người dân và nhu cầu lương thực trong tương lai.

'Củ cà rốt của Trung Quốc' với các nước sông Mekong

Tại Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ nhiều tỷ USD cho các nước sông Mekong, động thái nhằm "gỡ gạc" uy tín vì căng thẳng Biển Đông.

Hạn mặn sông Mekong: Thảm họa được báo trước

Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.




Hải Anh

Bạn có thể quan tâm