Người dân đồng bằng sông Cửu Long sinh nhai nhờ nguồn lợi từ sông. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Ngày 23/3, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất diễn ra tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai”, hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong - Lan Thương.
Trung Quốc mạnh tay đầu tư
Trong khuôn khổ hội nghị, Trung Quốc đã cam kết khoản vay ưu đãi 10 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ USD) và khoản vay tín dụng 10 tỷ USD cho 5 nước dòng sông Mekong chảy qua.
Cụ thể, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết một nửa trong khoản vay tín dụng 10 tỷ USD được sử dụng cho hợp tác sản xuất công nghiệp giữa Trung Quốc và các nước khác. Trung Quốc cũng hứa hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho các quốc gia với khoản tiền viện trợ 200 triệu USD và chuẩn bị quỹ 300 triệu USD cho các dự án hợp tác cỡ nhỏ và vừa trong 5 năm tới.
Trong tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương, Trung Quốc cũng cho biết họ đang triển khai các dự án khác nhau, từ đường sắt xuyên quốc gia tới các khu công nghiệp để thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Toàn cảnh
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất. Ảnh: BNG |
Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương diễn ra trong bối cảnh các nước hạ nguồn sông Mekong đang phải đương đầu với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nên phân phối nước trở thành vấn đề cấp thiết. Theo kết quả hội nghị, một trung tâm kiểm soát tài nguyên nước đã được thành lập nhằm đối phó với hạn hán và lũ lụt trên dòng Mekong.
Nỗ lực gỡ gạc uy tín
Các nước sông Mekong là khu vực quan trọng trong chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Tăng trưởng của Bắc Kinh được hỗ trợ thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và xuất khẩu năng suất công nghiệp dư thừa sang các nước khu vực này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng thừa nhận trong tình hình kinh tế khó khăn, hợp tác tốt hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á giúp giảm áp lực của nền kinh tế Trung Quốc.
Mặt khác, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp tiến hành các hoạt động gây hấn trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Không lâu sau khi kéo giàn khoan Hải dương 981 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi lấp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và quân sự hóa khu vực bất chấp sự phản đối của quốc tế.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc làm của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với vị thế của một nước lớn, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Nó cũng khiến Bắc Kinh bị cô lập trên các diễn đàn trong và ngoài khu vực. Các nước không có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Australia... cũng liên tục đưa ra lời nói và hành động để chỉ trích việc làm của Bắc Kinh.
Xâu chuỗi các sự kiện, nhiều nhà phân tích nhận định rằng Bắc Kinh đang có một sự toan tính. Thông qua việc làm này, Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực cũng như gỡ gạc uy tín sau những động thái hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, SCMP dẫn nhận định của các chuyên gia.
Bên cạnh vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng bị chỉ trích ở nhiều lĩnh vực khác. Các đập thủy điện mà Bắc Kinh xây dựng trên thượng nguồn dòng Mekong bị coi là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các nước hạ nguồn. Nhiều dự án phát triển trước đây của Trung Quốc bị cáo buộc làm tổn hại tới môi trường, gây ảnh hưởng tới tương lai khu vực.
“Bằng cách giúp các nước hạ nguồn sông Mekong, chủ yếu là những nước lạc hậu, có cơ hội phát triển tốt hơn, Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hình ảnh của mình theo hướng tích cực”, ông Xu Liping, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Xu, Trung Quốc cần đưa ra các dự án minh bạch và phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường để giành lấy lòng tin của người dân địa phương.