Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạn mặn và tác động của những con đập ở sông Mekong

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra tại các nước ở hạ nguồn Mekong và trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh một số nước thúc đẩy xây đập thủy điện.

Kể từ cuối năm 2015, các nước ở khu vực sông Mekong gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của tình hình hạn hán, lượng mưa thấp dưới tác động của El Nino. Các tổ chức khí tượng quốc tế cảnh báo rằng do hiệu ứng El Nino, nhiệt độ sẽ ở trên mức trung bình và dự kiến phá vỡ kỷ lục vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5.

Myanmar được dự báo sẽ phải đối mặt với El Nino mạnh nhất trong nửa đầu của năm 2016. Trong khi đó, Thái Lan đang đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 20 năm. Với lượng mưa hàng năm khan hiếm như hiện nay, khủng hoảng nước là điều không thể tránh khỏi. Chính phủ Thái Lan hồi tháng 2 đã tuyên bố 28 tỉnh của nước này có nguy cơ chịu thảm họa hạn hán và lần đầu tiên trong lịch sử, thủ đô Bangkok cũng có tên trong danh sách.

Cánh đồng bị nứt toác do hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Trinh

Mối lo của người dân

Lượng mưa thấp và nắng nóng như thiêu đốt kéo dài đã khiến nhiều nông dân Lào, Campuchia và Việt Nam khóc ròng vì vụ mùa thất thu. Tại Lào, hạn hán đã làm suy giảm đáng kể năng suất lúa. Một nông dân ở thủ đô Viêng Chăn cho biết lúa thường bắt đầu mọc vào tháng 6. Riêng trong năm 2015, nhiều nông dân không thể trồng loại cây lương thực này dù 6 tháng đã trôi qua.

Người dân Campuchia cũng đang chịu những tác động nặng nề của hạn hán đối với cây trồng, đặc biệt là khu vực trung tâm và phía tây nước này, xung quanh tỉnh Kampong Chhnang, địa phương chuyên sản xuất lúa gạo.

Đối mặt với tình hình hạn hán năm nay, Thái Lan đang bơm nước từ sông Mekong để tưới tiêu cho các cánh đồng và trang trại trong nước. Chính phủ nước này cũng muốn chuyển dòng với lượng nước lớn hơn, bất chấp cảnh báo của chuyên gia môi trường về ảnh hưởng đến hạ lưu.

Hoạt động bơm nước đang diễn ra ở đông bắc Thái Lan, một khu vực khô cằn ngăn cách với Lào qua sông Mekong. Tại tỉnh Nong Khai, máy bơm tạm thời đang bơm nước từ sông ở mức 15 m3/giây. 

"Chúng tôi tin rằng điều này sẽ không làm hạ thấp mực nước sông Mekong", Straits Times dẫn lời Somkiat Prajamwong, giám đốc quản lý dự án của Cục Thuỷ lợi Hoàng gia Thái Lan, khẳng định. Về lâu dài, các máy bơm tạm thời dự kiến sẽ được thay thế bằng các thiết bị cố định, có thể vận hành gấp 10 lần công suất ban đầu. Tuy nhiên, những kế hoạch trên đang khiến nhiều quốc gia láng giềng ở hạ lưu sông Mekong lo ngại.

Can thiệp ở thượng nguồn

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chạy dài hơn 4.000 km, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây là nguồn hỗ trợ cho ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và là nguồn nước quan trọng cho các cộng đồng canh tác nông nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, cùng với biến đổi khí hậu, sự can thiệp của các quốc gia ở thượng nguồn đang làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến ngư trường và nông trường truyền thống của các nước trong lưu vực.

Đập thuỷ điện của Trung Quốc ở phía bắc và nhiều công trình đang được xây dựng ở Lào, đã ảnh hưởng đến hoạt động di cư của các đàn cá và chặn lượng phù sa bồi đắp ở phía hạ lưu. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang có kế hoạch xây dựng nhiều đập ở đây. Người dân trong khu vực đang chịu ảnh hưởng của hoạt động xây đập lo ngại rằng, kế hoạch của Thái Lan sẽ chỉ khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn. 

Thái Lan đã phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ từ khu vực và quốc tế, quyết định chuyển dòng sông Mekong để dẫn nước đến khu vực hạn hán trong lãnh thổ nước này. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan khẳng định họ chỉ thực hiện ở một khu vực nhỏ và không ảnh hưởng đến mực nước.

Ý kiến tranh cãi được đưa ra trong bối cảnh hàng triệu nông dân Việt Nam mất mùa vì hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực đất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này, 12 tỉnh ở miền Tây của Việt Nam đã bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Một số báo cáo cho biết tình trạng này đã lan đến biên giới Campuchia. Người dân đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào dòng nước mùa khô để tưới tiêu, ngăn mặn và sinh hoạt hàng ngày. Việc giảm dòng chảy do khai thác từ phía thượng nguồn sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ lưu. 

Vị trí các con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mekong. (Màu đỏ: đã xây xong, màu vàng: đang xây dựng, màu xanh: dự kiến xây dựng). Đồ họa: 

Michael Buckley

Báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Cao Đức Phát, cho thấy từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến Việt Nam, mùa mưa 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Từ đó, xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm so với cùng kỳ nhiều năm gần 2 tháng và được cho là chưa từng thấy trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn.

Theo ông Phát, 139.000 ha lúa đã bị thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay và con số này được dự đoán tiếp tục tăng cho đến mùa mưa tới, thường vào tháng 6. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài đến thời điểm này, khoảng 500.000 ha lúa vụ hè thu không thể bắt đầu. Khoảng 575.000 người đang chịu cảnh thiếu nước ngọt. Tại tỉnh Bến Tre, nhiều khách sạn, trường học, bệnh viện, nhà máy cũng thiếu nước ngọt.

Ngày 15/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này bắt đầu xả nước từ đập ở tỉnh Vân Nam từ ngày 15/3 đến 10/4, để giúp các nước ở hạ lưu sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam khắc phục tình trạng hạn hán nghiêm trọng. 

"Người dân sống dọc theo sông Mekong - Lan Thương đều được nuôi dưỡng bởi cùng một dòng sông. Đương nhiên là bạn bè cần giúp đỡ nhau khi cần thiết", ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết. Trong thông báo, ông Lục cho rằng tình hình hạn hán hiện nay là do thiên tai, thay vì những thay đổi do con người tạo ra.

Những 'quả bom' đập thuỷ điện

Theo Diplomat, những lo ngại về việc xây đập trên sông Mekong không hoàn toàn thân thiện như bình luận của ông Lục. Tham vọng xây đập thuỷ điện đang đẩy tình hình khó khăn hơn và kéo theo cảnh báo về cuộc chiến nước trong tương lai trừ khi các nước có biện pháp quản lý khu vực hạ lưu sông Mekong một cách thích hợp. Đây cũng là vấn đề được quan tâm suốt 5 năm qua. 

Đập thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) của Trung Quốc xây dựng trên dòng Mekong. Ảnh: News.163.com

Tranh cãi xoay quanh việc xây dựng các con đập và sử dụng nước được đưa ra trong bối cảnh hạn hán đe doạ mùa màng của người dân. Trung Quốc là một bên chính trong vấn đề tranh luận này. Năm 1994, Bắc Kinh mở con đập đầu tiên trên sông Lan Thương là đập Mạn Loan ở tỉnh Vân Nam, tiếp sau đó là đập Đại Triều Sơn năm 2003. Trung Quốc hoàn thành thêm 4 đập vào năm 2009 và có kế hoạch xây 7 đập khác.

Các nước ở khu vực hạ lưu như Campuchia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan có lý do để lo ngại về kế hoạch xây đập của Trung Quốc, khi tình trạng khai thác con sông và ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân đang ngày càng đáng báo động. Các con đập sẽ ngăn cản chuyển động của trầm tích, gây thiệt hại cho hoạt động nông nghiệp và nghề cá ở hạ lưu. 

Không chỉ Trung Quốc, kế hoạch xây đập thuỷ điện của Lào cũng kéo theo những lời chỉ trích tương tự từ các nước láng giềng. Chính phủ Lào thúc đẩy kế hoạch xây dựng 11 đập thuỷ điện trong khi sản lượng điện sẽ được bán sang Thái Lan. Việc xây dựng Xayaburi - con đập sẽ chặn dòng chảy chính ở hạ lưu sông Mekong, đã bắt đầu giai đoạn cuối cùng. Ở phía nam Lào, các công đoạn xây đường và cầu cần thiết để mở đập Don Sahong cũng đang bắt đầu. 

Guardian cho biết Lào xây dựng các con đập với với ý định một phần là giảm phát thải khí nhà kính, nhưng chủ yếu là để tăng thu nhập từ việc bán điện sạch cho các nước láng giềng. Chính phủ nước này hy vọng sẽ thu về hàng tỷ USD mỗi năm từ các con đập khổng lồ. 

Campuchia có thể là nạn nhân của đập nước Lào, nhưng chính nước này cũng đang có kế hoạch xây hơn 40 đập lớn trên sông Mekong và các nhánh phụ. Chúng sẽ có tác động sinh thái lớn đến khu vực phía nam của Việt Nam.

Theo Guardian, đây là dấu hiệu đáng lo ngại đối với 60 triệu người dân vùng hạ lưu sông Mekong. Đập thuỷ điện có thể trở thành "quả bom" chết người. Không chỉ đất đai trồng trọt và những cánh rừng bị mất đi, người dân cũng có thể phải sơ tán. Kinh nghiệm cho thấy rằng các công trình này sẽ phá huỷ gây xói mòn, thay đổi đáng kể lượng phù sa và trầm trích hạ lưu. Bên cạnh đó, các con đập trên sông Mekong và các nhánh có thể khiến tình hình hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn.

Các tổ chức môi trường và cộng đồng trong khu vực lo ngại chúng sẽ là thảm hoạ cho hàng triệu người dân vốn dựa vào hoạt động đánh bắt cá. Trong khi đó, bằng chứng khoa học cho thấy đập Don Sahong sẽ chặn kênh Hou Sahong, lối đi chính của các đàn cá vào sông Mekong vào mùa khô. Công trình này cũng sẽ đe doạ ngư trường nước ngọt nội địa lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, việc khai phá hàng triệu tấn đất đá bằng chất nổ sẽ tạo ra sóng âm thanh lớn, có thể thể giết chết những đàn cá heo sống cách đó khoảng 3 km.

Hạn hán và độ mặn tăng cao, cùng với việc sử dụng nước của Thái Lan và lạm dụng các nguồn tài nguyên sông Mekong là hai vấn đề thách thức đối với Uỷ hội Sông Mekong. Đây là cơ quan liên chính phủ có trụ sở tại Lào, được thành lập nhằm "thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng. 

VN đề nghị Trung Quốc xả lũ cứu hạn đồng bằng sông Cửu Long

Việt Nam đề nghị Trung Quốc hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ở hạ nguồn sông Mekong.

Trung Quốc hứa xả lũ cứu hạn đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này bắt đầu xả lũ từ đập ở tỉnh Vân Nam từ ngày 15/3 để giúp các nước ở hạ lưu sông Mekong, bao gồm Việt Nam, khắc phục tình trạng hạn hán.






Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm