Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, cho biết nước này bắt đầu xả lũ ở đập Thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 và quá trình kéo dài đến ngày 10/4.
Qua đó, "Trung Quốc hy vọng sẽ giúp khắc phục tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở các nước hạ lưu sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam", ông Lục nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc |
Người phát ngôn cho biết thêm, Trung Quốc đang thúc đẩy một dự án hợp tác về nguồn nước với 5 quốc gia nhằm cải thiện tình hình trong khu vực.
"Kể từ cuối năm ngoái, do ảnh hưởng ở El Nino nên các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong đã trải qua nhiều đợt hạn hán, tình hình ngày càng trầm trọng", ông Lục nhận định.
Bản đồ thể hiện dòng chảy sông Mekong và vị trí các con đập mà các nước ở thượng nguồn xây dựng. Màu đỏ: đập đã xây dựng, vàng: đang xây dựng, màu xanh: dự kiến xây. Đồ họa: Michael Buckley |
Trước đó, ngày 14/3, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
"Chúng tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp", bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Phó phát ngôn viên khẳng định việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực.
Hàng nghìn ha lúa bị khô héo do hạn nặng. Ảnh: Minh Anh |
Trong năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua ở miền Tây. Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng diễn biến bất thường, cực đoan.
Đây là đợt thiên tai khốc liệt, hạn hán nghiêm trọng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Theo dự báo, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng cao hơn 10-20% năm trước nhưng tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực lại có nguy cơ thiếu 20-40% so với trung bình nhiều năm. Do đó mực nước sông Cửu Long sẽ ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.