Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạn mặn miền Tây: Sao phải ngăn mặn cấy lúa?

Mặn đang xâm nhập sâu vào các tỉnh miền Tây khiến nông dân lo lắng. Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân cho rằng "phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với con tôm".

Theo thông tin từ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, những ngày qua, độ mặn đo được trên sông Hậu ở địa phương này luôn ở mức trên 2.000 mg/l (2‰). Đây là điều chưa từng có trong lịch sử địa phương.

Tình trạng ngập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt khắp miền Tây, dưới tác động của El Nino kéo dài. Cơ quan chức năng dự báo, nước mặn và hạn hán đến tháng 6, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và có đến khoảng 1 triệu người trong vùng thiếu nước sạch.

Thế nhưng, GS Võ Tòng Xuân lại có cái nhìn khác, không bi quan về thực trạng này.

Han man mien Tay anh 1
Lúa chết vì nhiễm mặn ở thị xã Vị Thanh, Hậu Giang. Ảnh: Việt Trung.

Thay đổi tư duy làm kinh tế 

"Truyền thông sao không loan tin về các nông dân nhờ có nước mặn mà nuôi tôm rất thành công (giá trị gấp 3-4 lần lúa), và họ không hề lên tiếng giùm những nông dân nuôi tôm bị chết vì thiếu nước mặn do địa phương ngăn mặn để cứu lúa, nhưng lúa không đủ nước ngọt nên lúa cũng thiệt hại theo tôm", GS Xuân nêu.

Theo GS Võ Tòng Xuân, nông dân các tỉnh ven biển chỉ biết trồng "lúa - lúa - lúa", bất chấp thiên nhiên không cho phép. Vùng này đã tốn hàng chục nghìn tỷ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa.

Theo ông đã đến lúc cần thay đổi tư duy về kinh tế nông nghiệp cho miền Tây. "Chúng ta thấy rằng, thời kỳ cả nước ai ai cũng lo cho an ninh lương thực đã qua rồi vì nay ta sản xuất dư thừa để xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm với giá bèo như vậy. Nông dân trồng lúa của ta đã 40 năm rồi mà vẫn là những người nghèo, họ bị hô hào phải trồng lúa thật nhiều", GS Võ Tòng Xuân nói.

Han man mien Tay anh 2
Một cánh đồng màu đỏ vì lúa chết ở Bến Tre. Ảnh: Việt Tường.

Đã đến lúc, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn hướng sản xuất và tìm đầu ra để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt - tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. 

"Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững, hài hòa thiên nhiên. Những vùng theo hệ thống lúa - tôm của Sóc Trăng hiện nay giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa.

Sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa. Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều để nuôi dân các nước khác có ăn, để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa", GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Còn theo chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện, lương thực đâu chỉ có lúa - gạo, mà bao gồm nhiều loại cây và thực phẩm khác. Hiểu rộng ra, lương thực là tất cả những gì có thể ăn được để nuôi sống con người.

TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng phát biểu thẳng thắn: "Chúng ta đang vướng và bị gò bó quá nhiều vào tư duy an ninh lương thực. Đến năm 2050, có thể Việt Nam sẽ không cần nhiều lúa gạo như bây giờ. Việc gì phải đi trồng lúa để xuất khẩu gạo và nuôi cả thế giới nếu điều đó không mang lại lợi ích cho đất nước này".

Han man mien Tay anh 3
Một hộ dân ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) sang hàng xóm xin từng thùng nước trong ao để rửa chén bát. Ảnh: Việt Tường.

Cùng quan điểm trên, TS Dương Văn Ni - chuyên gia của Đại học Cần Thơ - cho rằng: "Mọi giải pháp phải bắt đầu từ nguyên nhân. Theo số liệu tôi thu thập, nghiên cứu trong nhiều năm thì mức độ hạn - mặn giống như năm nay cứ khoảng 10 năm sẽ xảy ra một lần. Quan trọng hơn là nó đã xuất hiện từ khi chưa có cụm từ biến đổi khí hậu".

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết trong mùa vụ tới, địa phương tổng rà soát, điều chỉnh lịch thời vụ, vùng nào an toàn thì làm lúa, không an toàn thì tuyệt đối không xuống giống để tránh thiệt hại.

Theo ông Thể, Sóc Trăng có lúa chịu được mặn 3‰, vì vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ và bộ, ngành nghiên cứu lai tạo giống lúa chịu được mặn cho vùng.

Theo TS Ni, mấy chục năm trước, chỉ có khoảng vài nghìn người sống ở khu vực ven biển, họ luôn biết cách thích ứng môi trường sống nơi đó, và mặn chưa bao giờ là một "vấn đề", thậm chí nó còn mang đến những yếu tố tích cực. Còn giờ đây, chúng ta đã "hướng ra biển" quá nhiều, số lượng người tăng đến hàng triệu, kèm theo đó là cây trồng, hệ vật nuôi, nhà cửa… cũng được mang theo.

Do đó, khi hạn - mặn xảy ra (dù không lớn) nhưng nó vẫn trở thành một "vấn đề xã hội" - do số lượng người (và cả vật chất) bị ảnh hưởng tăng vọt.

"Có những loại cây trồng vốn không thích hợp với hạn - mặn, nhưng vẫn được mang ra trồng trên vùng đất mặn, đến khi mặn xâm nhập vào thì ai nấy la toáng lên. Thiên nhiên đang cho thấy những dấu hiệu ngày một cực đoan hơn, nhưng nó chưa quá mức như xã hội đang nhìn nhận. Hạn - mặn năm nay chỉ ở mức trung bình, và tính nghiêm trọng của nó có chăng là do tác nhân từ xã hội", TS Ni nêu quan điểm.

Phải có người chỉ huy thống nhất

Theo một số chuyên gia đầu ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long, thực trạng hạn - mặn diễn ra ngày càng gay gắt còn do công tác quy hoạch mang tính áp đặt và cứng nhắc. Có những vùng đất người dân đã quen sống đan xen với mặn - ngọt, nhưng quy hoạch bắt buộc phải "ngọt hóa".

Han man mien Tay anh 4
Nhà máy nước Bến Tre phải dùng xe bồn qua Tiền Giang chở nước sạch về cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu ở TP Bến Tre. Ảnh: Việt Tường.

"Có thời điểm chúng ta thiếu lương thực nên cây lúa được ưu tiên hàng đầu, từ đó đã triển khai dự án 'ngọt hóa' Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tuy nhiên, khi dự án thực hiện một nửa đã bị người dân phản đối, bởi trước giờ bà con sống đan xen mặn - ngọt với hai vụ lúa - tôm rất hiệu quả. Sau đó, dự án đã phải dừng lại", TS Ni cho biết.

Thực tế cho thấy, người dân Quản Lộ - Phụng Hiệp vùng giáp ranh 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu năm nào cũng "tranh chấp" vì mặn - ngọt. Phía Bạc Liêu, nông dân cần nước mặn nuôi tôm nhưng cống mở ra thì người trồng lúa Ngã Năm (Sóc Trăng) bị thiệt hại.

Theo các chuyên gia đầu ngành ở miền Tây, xác định 30 - 40 năm tới, kinh tế biển sẽ là ngành trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, biển ở đây là cả một vùng biển rộng lớn, chứ không phải theo nghĩa hẹp là đưa người ra bờ biển, lấn biển.

"Về lâu dài, chúng ta phải giảm cư dân vùng duyên hải, đó cũng là cách hiệu quả trong việc trồng rừng, bảo vệ biển. Nếu cư dân vùng duyên hải cứ tăng lên sẽ phát sinh nhiều bất cập. Ngoài ra, ngành chức năng cần xem xét lại quy hoạch tổng thể, sự liên thông giữa các bộ - ngành để đảm bảo tính thống nhất trong phát triển", một chuyên gia nói.

Hơn nửa triệu người miền Tây thiếu nước ngọt

Dòng chảy thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong 90 năm qua khiến mặn xâm nhập mặn chưa từng thấy trong lịch sử, hàng trăm nghìn người thiếu nước ngọt.

Trò chuyện cùng phóng viên Zing.vn, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, chúng ta đã làm cuộc cách mạng trên 30 năm trong sản xuất lúa rất thành công. Đó là khai hoang đất phèn - mặn để làm lúa, từ trồng lúa mùa 1 vụ lên 3 vụ/năm.

"Nói như vậy để cho thấy tầm quan trọng của cây lúa, cần giữ lúa nhưng phải chuyển đổi một phần diện tích kém hiệu quả của từng vùng. Còn việc chuyển đổi để trồng cây gì, nuôi con gì thì phải nhìn thị trường. Sai lầm của chúng ta là không nghe theo khoa học. Làm khoa học mà 'lôm côm' là không được", ông Nhị nói thẳng.

Theo ông Nhị, miền Tây không phải thấy nước mặn là làm đê bao hết, phải biết chừa chỗ để lấy nước mặn phục vụ con tôm. Muốn làm được thủy lợi đồng bộ, đảm bảo cho cả lúa, cá, tôm, rau, màu và cây ăn trái ở miền Tây thì phải có lãnh đạo chỉ huy thống nhất.

"Chúng ta đang thiếu người chỉ huy giỏi và làm quyết liệt. Luật pháp không tôn nghiêm cũng ảnh hưởng xấu vì phá rừng mà không xử thẳng tay thì rừng cứ hẹp dần. Đánh bắt cá con cũng vậy, đã cấm thì cấm tuyệt, chứ không thể làm lơ", cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ.

Theo ông Nhị, "chỉ huy thống nhất" ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là Chính phủ và Bộ NN&PTNT phải xem Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là rất quan trọng, lãnh đạo Ban này phải giỏi, thể hiện được vai trò thực sự của mình đối với các tỉnh, thành miền Tây. Từ đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ "chỉ huy" vùng; địa phương, cán bộ nào làm sai, không thực hiện thống nhất chủ trương là có ý kiến ngay.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, từ tháng 3-5/2016, độ mặn trên sông Vàm Cỏ dao động 8-24‰, sông Cửa Tiểu và Cửa Đại 3-32‰, sông Hàm Luông 10-32‰, sông Cổ Chiên 9-30‰, Định An 8-25‰, Trần Đề 3-23‰...

Trong đó, vài nơi khi triều xuống thấp sẽ xuất hiện nước ngọt nhưng tại trạm Bình Đại, Hòa Bình (Bến Tre), Cầu Nổi (Long An), An Thạnh 3 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng)… sẽ không có ngọt trong hết mùa khô, kể cả khi thủy triều xuống thấp.

Hiện, Bến Tre có trên 13.000 ha lúa chết, thiệt hại đã lên đến 1.200 tỷ đồng. Các nhà máy nước sạch của Bến Tre bơm nước mặt để xử lý nên người dân tỉnh này đang sử dụng nước máy bị mặn trên 1,2‰.

Người dân miền Tây tắm giặt bằng nước nhiễm mặn

"Tắm nước nhiễm mặn khiến mặt tôi dị ứng, nổi mẩn ngứa nhưng phải ráng chịu. Mấy đứa con khi tắm xong thì xả vài ca nước ngọt nhưng vẫn còn khó chịu", chị Thẫm ở Bến Tre cho biết.

Nước sạch miễn phí cho dân vùng nhiễm mặn

Xe bồn chở nước sạch miễn phí đã mang niềm vui cho người dân Sóc Trăng đã nhiều năm phải sử dụng nước nhiễm mặn.

 

Việt Tường - Việt Trung

Bạn có thể quan tâm