Sáng 10/3, ông Trần Trung Hiền - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện mực nước dự trữ trong nội đồng xuống thấp từ 0,25 đến 0,6 m. Trên các kênh trục chính độ mặn dao động 1,5 đến 2‰; trong hệ thống kênh cấp II, cấp III độ mặn đã vượt ngưỡng 2‰.
Dự báo đến hết tháng 4/2016, Trà Vinh không còn cống nào có khả năng lấy nước ngọt, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất sẽ rất nghiêm trọng.
Vụ đông xuân, Trà Vinh có khoảng 23.690 ha lúa hư hỏng, tập trung ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Châu Thành, Duyên Hải và TP Trà Vinh. Hơn 366 ha nuôi tôm sú của người dân ở Duyên Hải, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải thiệt hại. Độ mặn tăng cao đột ngột đã khiến hàng chục hộ nuôi cá lóc ở xã Định An và Đại An (Trà Cú) bị ảnh hưởng trên diện tích 1,38 ha.
"Mặn xâm nhập, các cống đầu mối phải đóng làm cho nguồn nước bên trong bị ô nhiễm gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Gần 10.000 hộ dân phải sử dụng nước nhiễm mặn", ông Hiền cho hay.
8/13 tỉnh miền Tây đã công bố thiên tai do hạn mặn. Ảnh Đ.X |
Còn tại Vĩnh Long, độ mặn đo được trên sông Cổ Chiên (giáp 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít) có lúc lên cao kỷ lục 8-9‰. Khoảng 1.000 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng bị ảnh hưởng. Có 12 nhà máy, trạm cấp nước sinh hoạt của tỉnh bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến 18.000 hộ dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, TP triển khai kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Tập trung quyết liệt thực hiện công tác phòng chống hạn mặn, bảo vệ diện tích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân.
Tại cuộc họp tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 7/3, Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát, cho biết đợt hạn mặn lịch sử đã làm 9/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chi hỗ trợ thiên tai cho các tỉnh miền Tây 137 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNN, tổng diện tích lúa bị thiệt hại trên 139.000 ha; nguy cơ cháy rừng cảnh báo cấp độ 4-5 (cấp độ cực kỳ nguy hiểm). Hiện 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) thiếu nước sinh hoạt.
Riêng tỉnh Bến Tre chỉ còn 4 xã thuộc huyện Chợ Lách, nguồn nước chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. "Bến Tre không còn mặn mà đã chuyển sang đắng. Nói đắng ở đây có nghĩa là mặn rất dữ dội", Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo nói.