Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập vì hạn, mặn

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, gần 300.000 hộ (với khoảng 1,5 triệu người) trong những tháng vừa qua không có thu nhập, chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Chiều 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo với các đối tác, nhà tài trợ ứng phó tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng NN&PTNT, cho biết gần 300.000 hộ (với khoảng 1,5 triệu người) trong những tháng vừa qua không có thu nhập, chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo ông Phát, năm 2016, sản lượng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hộ nông dân với hàng triệu người. Rất nhiều nơi nước mặn bao vây, cây ăn trái chịu ảnh hưởng; gia súc không có thức ăn, nên phải bán vội, một số vùng nuôi thủy sản như ngao, tôm, do độ mặn quá lớn nên chết, phải thay đổi thời vụ và đất canh tác.

Người dân miền Tây tắm giặt bằng nước nhiễm mặn

"Tắm nước nhiễm mặn khiến mặt tôi dị ứng, nổi mẩn ngứa nhưng phải ráng chịu. Mấy đứa con khi tắm xong thì xả vài ca nước ngọt nhưng vẫn còn khó chịu", chị Thẫm ở Bến Tre cho biết.

Ở Nam Trung Bộ, các tỉnh từ Bình Thuận đến Khánh Hòa, các hồ chứa chỉ có khoảng 50-60% dung tích nước, Ninh thuận chỉ có 30%; các con sông ở Khánh hòa lưu lượng nước chỉ đạt 10%.

Trong khi đó, Tây Nguyên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, trong đó có 4 tỉnh đặc biệt nghiêm trọng là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Các hồ cạn nước, nhiều diện tích lúa chết, cà phê cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Tây Nguyên có 2.800 ha lúa dừng sản xuất; 17.600 hộ thiếu nước và có thể còn nhiều hơn.

“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được nhưng tình hình là rất nghiêm trọng, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Phát nói.

Hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục khiến 1,5 triệu người không có thu nhập trong thời gian qua. Ảnh: V.Tường

Tại hội thảo, đại diện một số đối tác, nhà tài trợ đã tư vấn cho Việt Nam ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Đối với nguồn vốn để chống hạn, đại diện ADB đề xuất, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhà tài trợ cần đặt hỗ trợ ưu tiên khẩn cấp cho các dự án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cả về thứ tự và thủ tục.

Đại diện ADB nhận định, nếu theo trật tự sắp xếp hiện tại và theo thủ tục triển khai bình thường, nhiều dự án đến năm 2018 mới được duyệt. Một số dự án khác cũng trong tình trạng tương tự, nếu không ưu tiên trước để rút ngắn thủ tục thì không triển khai sớm được.

Đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: "Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm đến việc làm thế nào để cải tiến, hoàn thiện hơn hệ thống tưới tiêu tại tỉnh Bến Tre. Dự án này đang trong quá trình xem xét. Thông tin hôm nay giúp chúng tôi xem xét và đẩy nhanh quá trình này từ Nhật Bản".

Cũng tại hội thảo này, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên hiệp quốc, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho hay các tổ chức quốc tế sẽ nhóm họp để tìm giải pháp hỗ trợ trước mắt, cứu trợ khẩn cấp cho những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề.

"Bên cạnh đó, quốc tế sẽ tìm các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để Việt Nam có thể ứng phó và thích nghi với những hiện tượng thời tiết cực đoan trung hạn và dài hạn", bà Pratibha Mehta chia sẻ.

Hỗ trợ hơn 523 tỷ đồng khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn

34 địa phương tiếp tục được Trung ương hỗ trợ 523,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm