Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP HCM đề nghị Hà Lan hỗ trợ chống xâm nhập mặn

Tiếp Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Hà Lan, đại diện chính quyền TP HCM cho rằng việc giải quyết xâm nhập mặn là nhằm bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp bền vững cho một đô thị lớn.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM, tiếp Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan, Melanie Schultz van Haegen đến thăm và làm việc ngày 31/3. Ảnh: Thanh Tùng

Chiều ngày 31/3, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan, Melanie Schultz van Haegen đã đến làm việc tại UBND TP HCM về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Đoàn làm việc của TP HCM do ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND, dẫn đầu.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết việc hợp tác với các cơ quan ở Hà Lan đã giúp TP HCM xây dựng được chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2100 và kế hoạch hành động cụ thể.

Các kết quả này đang được áp dụng bước đầu ở Quận 4 và Huyện Nhà Bè. Trong định hướng hợp tác giai đoạn 2016 - 2018, TP HCM đang xem xét nghiên cứu xây dựng hồ điều tiết Khánh Hội ở Quận 4.

Nhờ Rotterndam hỗ trợ

Bà Thanh Mỹ cho biết dự án xây dựng công viên hồ Khánh Hội bao gồm một hạng mục hồ cảnh quan. Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP HCM (TTCN) đã yêu cầu điều chỉnh chức năng hồ cảnh quan này thành hồ điều tiết.

Bà Thanh Mỹ đề nghị thành phố Rotterdam hỗ trợ TP HCM trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể chống biến đổi khí hậu ở địa bàn Quận 4, bao gồm xây dựng hồ điều tiết ở Khánh Hội.

TP HCM chong bien doi khi hau anh 1
Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP HCM ký bản ghi nhớ tăng cường hợp tác với Cơ quan Quản lý nước Hà Lan (DWA) giai đoạn 2. DWA là cơ quan nhà nước có trách nhiệm phòng, chống ngập, quản lý nước và xử lý nước thải đô thị Ảnh: Thanh Tùng

Về tình hình xâm nhập mặn, Phó chủ tịch UBND Lê Thanh Liêm nhìn nhận đây là thách thức lớn đối với cả TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhận định giải pháp cho TP HCM khác với đồng bằng sông Cửu Long.

Nữ phó giám đốc sở cho rằng thành phố cần nguồn cung nước sạch bền vững để đáp ứng cho một đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, và đề nghị Hà Lan hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Melainie Schultz Van Haegen đánh giá việc xử lý nước để dùng trong sinh hoạt của Sawaco đang diễn ra hiệu quả.

"Tuy nhiên, TP HCM đang đối mặt với nhiều thách thức, như nhiều tạp chất trong nước hơn, ô nhiễm môi trường, sản xuất công nghiệp ảnh hưởng đến nguồn nước… Thành phố cần những biện pháp, cách thức mới để xử lý nước tốt hơn trong tình hình ô nhiễm như hiện nay", bà nói.

Nữ bộ trưởng khẳng định Hà Lan sẽ hỗ trợ, chia sẻ những bài học về xây dựng các chương trình dài hạn ứng phó với biến đối khí hậu, đặc biệt là hỗ trợ đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn.

Ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất phụ trách các vấn đề hợp tác về nước và chống biến đổi khí hậu tại Đại sứ quán Hà Lan ở Việt Nam, đánh giá cao việc lãnh đạo TP HCM đang xem những vấn đề này là ưu tiên trong bối cảnh thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề cùng lúc, như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, dân số đông…

Trả lời báo chí, ông cho rằng ưu tiên hành động trước hết của TP HCM chính là bảo đảm nguồn cung đầy đủ nước để đáp ứng sinh hoạt và sản xuất.

“Trước tiên là phải có nước. Nếu không, bộ phận xử lý cũng không thể hoạt động. Sâu xa hơn, việc thiếu nước có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, ông nhấn mạnh.

TP HCM chong bien doi khi hau anh 2
Ông Tom Kompier, Bí thư thứ Nhất tại Đại sứ quán Hà Lan ở Việt Nam, trao đổi với phóng viên. Ảnh: Thanh Tùng

Cần cả ngăn ngừa và thích nghi

Về vấn đề xử lý mặn ở TP HCM, ông cho rằng hành động đầu tiên là cần ngăn chặn nước mặn xâm nghiệp vào nguồn nước ngọt. Trả lời Zing.vn về tình hình nhiễm mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, ông cho rằng đang tồn tại 2 vấn đề cần giải quyết.

"Đầu tiên là cuộc sống của người nông dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chịu tổn thất do mùa màng hư hại. Chính quyền trước tiên cần nhanh chóng cứu trợ để giúp đỡ người dân", ông đánh giá.

"Về lâu dài, trong 10 - 15 năm tới, chính quyền cần nghiên cứu các giải pháp để ngăn ngừa, giảm nhiễm mặn song song với các giải pháp thích nghi trong tình hình này", ông nói.

Chẳng hạn, ông Kompier cho rằng ngành nông nghiệp có thể đưa ra kế hoạch vụ mùa hợp lý hơn, trồng những loại cây có thể chịu đựng độ mặn cao.

Ông Kompier cũng khuyến cáo về những cách khai thác và sử dụng nước. “Một ví dụ như khai thác nước ngầm, chỉ cần khoan xuống là có nước. Tuy nhiên, khai thác quá đà có thể dẫn đến những hệ luỵ như cạn kiệt nguồn nước ngầm, sụt lún đất”.

Theo ông, việc đầu tư phát triển các công trình chống biến đổi khí hậu là điều quan trọng, nhưng phải dựa trên cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế lâu dài.

“Nếu không thực hiện lúc này, chúng ta có thể không tiêu tốn chi phí trước mắt, nhưng có thể phải gánh chịu nhiều rủi ro trong tương lai”, ông cảnh báo.

Người dân Sài Gòn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Nam Bộ bước vào cao điểm nắng nóng, tình hình xâm nhập mặn ở các sông Đồng Nai, Sài Gòn tăng cao khiến hàng triệu người dân TP HCM có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Lào xả nước đập thủy điện giúp Việt Nam xử lý hạn mặn

Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào cho biết nước này sẽ tiến hành xả nước một số đập thủy điện nhằm tăng lưu lượng nước chảy vào sông Mekong, giúp Việt Nam giải quyết hạn mặn ở ĐBSCL.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm