Mục tiêu chung của các hãng điện thoại Android tại Việt Nam là chuyển dịch người dùng lên các phân khúc cao hơn. Điều này giúp nhà sản xuất tăng biên lợi nhuận, giữ chân khách hàng trung thành bằng sản phẩm có tính năng tốt.
Tuy nhiên trừ Samsung, đa số hãng Trung Quốc vẫn chật vật với mục tiêu này. Xiaomi là thương hiệu kiên trì nhất trong việc ra mắt điện thoại flagship. Tuy nhiên, hãng cũng chỉ đặt trọng tâm đến dòng T, có giá dưới 20 triệu đồng. Dải sản phẩm 14 T vừa ra mắt vẫn được đánh giá cao ở các yếu tố quen thuộc. Tuy nhiên, người dùng lại có nhiều lựa chọn khác ở tầm giá này.
Bản sắc Xiaomi
Giá thấp - cấu hình cao vẫn là tiêu chuẩn cho mọi điện thoại Xiaomi. Đây là lý do khiến nhiều chiếc flagship của hãng không được người dùng Việt Nam chấp nhận dù mức niêm yết chỉ tương đương nhà sản xuất khác. Mẫu Xiaomi 14T Pro mới ra mắt không vấp phải phản đối nhờ sở hữu cấu hình khá ổn so với định giá. Máy dùng chip Dimensity 9300+, có sẵn 12 GB RAM và 512 GB bộ nhớ trong.
Trong đó, dòng chip cao cấp nhất của MediaTek không thua kém Qualcomm về sức mạnh. Tôi chơi thử Wuthering Waves, một game 3D thế giới mở gần như nặng nhất hiện nay, Xiaomi 14T Pro vẫn đáp ứng tốt ở mức FPS 50-60. Trong khi đó, một chiếc máy khác dùng Snapdragon 8 gen3 lại thường xuyên giật lag vì nóng lên trong khi trải nghiệm.
Chip MediaTek có hiệu năng cao, ổn định không thua kém Snapdragon. |
Dùng Dimensity 9300+ là lựa chọn thông minh của Xiaomi, khi cung cấp cho người dùng vi xử lý tốt về hiệu suất và tối ưu năng lượng. Dung lượng RAM, ROM lớn là một phần trong truyền thống hào phóng của hãng Trung Quốc. Điều tương tự cũng lặp lại với màn hình, pin, sạc nhanh hay camera trên máy.
Với khung nhôm, lưng kính bo mượt mà, chất lượng hoàn thiện của Xiaomi 14T Pro không thua kém sản phẩm đắt tiền hơn. Vấn đề duy nhất về ngoại hình là cụm máy ảnh “tổ ong” với 3 ống kính cùng đèn flash quá khổ. Có thể đây là điểm trừ với một số người dùng, nhưng camera lớn đã dần trở thành tiêu chuẩn thiết chung của flagship, dành không gian cho cảm biến và hệ thống ống kính.
Xiaomi 14T Pro có chất lượng hoàn thiện ổn ở giá 18 triệu đồng, nhưng cụm máy ảnh quá lớn. |
Đáng tiếc, chiếc Xiaomi 14T Pro vẫn có loa khá bé và thiếu bass. Một điểm trừ khác là camera trước 32 MP thiếu chức năng lấy nét tự động, hạn chế khi quay video thiếu sáng. Đây là những vấn đề nhỏ, hãng có thể làm tốt hơn để nâng tầm trải nghiệm.
Tuy nhiên, xét trên mức giá cạnh tranh, một số người dùng sẵn sàng bỏ qua những yếu tố này để đổi lấy thông số cấu hình.
“Nhãn đỏ” trên máy cận cao cấp
Leica bắt đầu hợp tác với Xiaomi bằng cách hỗ trợ tinh chỉnh hình ảnh, thêm các hiệu ứng ống kính và bộ lọc màu trên dòng cao cấp. Xiaomi 14T là sản phẩm không phải flagship đầu tiên nhận được các thiết lập này. Tuy nhiên, tôi không phải người hâm mộ của kiểu chỉnh ảnh đậm màu. Các giả lập màu độc quyền, nhất là những lựa chọn ống kính kết hợp filter trắng đen phù hợp với trào lưu "retro", ảnh phim của người trẻ.
Logo Leica trên máy ảnh của Xiaomi 14T Pro. |
Xiaomi 14T Pro là chiếc camera phone phù hợp với thể loại đường phố, với những khung hình nhiều câu chuyện. Khả năng bắt nét nhanh, trường ảnh dày và màu sắc đậm khiến kết quả cho ra giàu cảm xúc hơn.
So với nhãn dán Leica, kích thước cảm biến được tăng lên 1/1,3 inch cùng một ống kính tele 50 MP chất lượng cao là điểm cộng đáng nhắc đến. Các trang bị phần cứng này hỗ trợ người chụp không chuyên tốt hơn trong các điều kiện thực tế như ánh sáng yếu, chủ thể ở xa hay chân dung.
Về phần mềm, máy có chức năng quay phim điện ảnh hoạt động tương tự Cinematic Mode trên iPhone. Người dùng chọn chủ thể và thiết bị tự làm mờ khung cảnh, giả lập hiệu ứng ống kính, gồm cả tiền và hậu cảnh. Tuy nhiên, chất lượng bị giới hạn ở Full HD, 30 FPS.
AI trên Hyper OS
Sau Samsung, Oppo, Xiaomi là nhà sản xuất tiếp theo đem AI lên di động tại Việt Nam. Đa phần công cụ đều sử dụng nhân Gemini từ Google, tích hợp vào chức năng app. Đây cũng là dòng máy đầu tiên, sau Samsung, Google được trang bị Circle to Search.
Mặt khác, các cụ khả dụng hiện gồm định dạng, tóm tắt văn bản, xóa vật thể trong ảnh, mở rộng khung hình, dịch thuật trực tiếp và transcript tập tin ghi âm.
Vì dùng Gemini của Google nên AI của Xiaomi tương thích với tiếng Việt. Hầu hết công cụ đều vận hành tốt như quảng cáo. Tuy nhiên, nó vẫn bị giới hạn bởi độ dài văn bản và tốc độ đường truyền khi hầu hết tác vụ đều cần xử lý trên đám mây.
Xiaomi 14T Pro có nhiều chức năng trí tuệ tạo sinh, tương tự Galaxy AI. |
So với Galaxy AI, 14T Pro vẫn thua thiệt khi thiếu các chức năng khởi tạo trên bàn phím, xử lý trực tiếp với trình duyệt hay chỉnh sửa ảnh. Tuy nhiên, Xiaomi lại dẫn trước Oppo Reno dù ra mắt sau.
Ngoài ra về phần mềm, HyperOS hiện vẫn không khác nhiều với MIUI trước đó. Người dùng có thể trông đợi phiên bản đầy hơn được hãng cập nhật trong thời gian tới.
Với 18 triệu đồng, đối thủ chính của Xiaomi 14T Pro là model Galaxy S24 FE và iPhone 15/14 Plus vừa giảm giá. Điện thoại từ Samsung, Apple có vẻ thua thiệt nếu so trang bị, cấu hình. Tuy nhiên, chất lượng phần cứng, hệ điều hành ổn định vẫn là những điểm mạnh quen thuộc, được tin tưởng.
Galaxy S24 FE mới ra mắt cũng đã có Galaxy AI, camera đa dụng với nhiều tiêu cự cùng cấu hình đủ dùng. Trong khi đó, hai chiếc máy Apple còn đủ tốt để dùng thêm 3-5 năm nữa. Apple ngày càng ít thay đổi giữa các đời máy, vô tình giúp những sản phẩm đời cũ ít lỗi thời.
Xiaomi 14T Pro là lựa chọn hợp lý khi người dùng Xiaomi xách tay hoặc các phân khúc giá thấp hơn của hãng muốn nâng cấp. Đây là một trong những lựa chọn có hiệu suất/giá (p/p) tốt nhất ở mức dưới 20 triệu đồng với người dùng không gặp rào cản thương hiệu.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.