Cùng với chính sách giảm điều kiện tham gia BHXH từ 20 xuống 15 năm được hưởng lương hưu, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn để hạn chế lao động rút BHXH một lần. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng. |
Đa số lao động trẻ rút BHXH một lần
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ ngày 1/1/2016 đến 31/8/2024, cả nước có hơn 1,285 triệu người nhận BHXH một lần nhưng sau đó quay lại tham gia BHXH, bảo lưu thời gian đóng BHXH là 631.128 người.
Đối với những trường hợp này, người lao động không được bảo lưu số năm tham gia trước đó mà phải tính lại từ đầu, do đã rút tiền.
Ông Đào Duy Hiện, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, người lao động rút BHXH một lần chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do áp lực công việc và tần suất nhảy việc cao. Nhóm tuổi rút BHXH một lần chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 đến dưới 40, chiếm khoảng 78%.
Nguyên nhân chủ yếu là do lao động trẻ tuổi coi nhu cầu trước mắt quan trọng hơn việc đóng BHXH đủ thời gian để hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, mức lương tại các doanh nghiệp ở độ tuổi này chưa cao, dẫn đến việc họ thường lựa chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn tài chính.
Một chuyên gia lao động và tiền lương cho rằng, việc người trẻ rút BHXH một lần sẽ làm cho bảo hiểm hưu trí trở nên vô nghĩa, để lại hệ lụy lớn cho người lao động khi về già khi không có lương hưu để trang trải cuộc sống.
Theo các chuyên gia lao động, chính sách về rút bảo hiểm một cục theo Chế độ 176 trước đây đã để lại bài học đau đớn cho những người rút một lần. Khi về già họ không có lương hưu nên cuộc sống rất khó khăn.
Vì thế, chính sách BHXH phải giữ chân được người lao động ở lại hệ thống, đặc biệt phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động trẻ vượt qua khó khăn trước mắt, hướng tới có đủ thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu.
“Về già, lương hưu thấp còn hơn không, nhưng điều quan trọng là khi ốm đau, chế độ BHYT sẽ hỗ trợ, giúp giảm bớt gánh nặng cho con cháu,” vị chuyên gia cho biết.
Luật mới hạn chế rút một lần
Theo Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật có hiệu lực, nếu sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, thì được rút BHXH một lần. Tuy nhiên, sau thời gian này, sẽ không còn được rút BHXH một lần nữa.
Luật BHXH sửa đổi chỉ cho phép hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Người đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH; người ra nước ngoài định cư; hoặc những người đang mắc các bệnh như ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; và người khuyết tật đặc biệt nặng.
Theo quy định của Luật BHXH 2024, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
Bằng 1,5 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với năm đóng trước năm 2014.
Trường hợp thời gian đóng BHXH có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng BHXH một lần.
Bằng 2 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 2 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH.
Mức hưởng BHXH một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều này không bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Người lao động rút BHXH một lần rồi nhưng còn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng thì vẫn được bảo lưu. Sau này, khi người lao động đi làm và tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được cộng nối thời gian đã đóng trước đó.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.