Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

G7 cấm vận vàng Nga, thị trường toàn cầu liệu có chao đảo?

Thị trường dầu đã chao đảo khi phương Tây lên kế hoạch cấm vận dầu Nga. Nhưng giới quan sát cho rằng kịch bản tương tự sẽ không xảy ra với thị trường vàng.

Theo Bloomberg, tháng trước, các lệnh trừng phạt đối với Moscow đã làm chao đảo thị trường dầu mỏ toàn cầu. Giờ, G7 (nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới) đang nhắm vào vàng Nga. Nhưng giới quan sát cho rằng lệnh cấm có thể không tạo tác động mạnh đến thị trường vàng thế giới.

Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lần đầu đề cập đến các lệnh trừng phạt đối với dầu thô từ Nga vào tháng 5, giá dầu Brent đã tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 8,4% vào thời điểm Nga bắt đầu đổ quân vào Ukraine.

Hôm 26/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về lệnh cấm vận vàng từ Nga. "Cùng nhau, G7 sẽ thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga - mặt hàng xuất khẩu chính mang lại hàng chục tỷ USD cho Moscow", ông Biden tuyên bố trong một bài đăng trên Twitter hôm 26/6.

Vang cua Nga anh 1

Các quốc gia giàu nhất thế giới chuẩn bị cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm gây thêm sức ép cho nền kinh tế. Ảnh: Reuters.

Tác động không lớn

Hôm 26/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông khẳng định những biện pháp mà G7 công bố đánh thẳng vào giới tài phiệt và gây tổn thất cho cỗ máy quân sự của Nga.

"Lệnh cấm vận sẽ có quy mô toàn cầu, chính thức loại bỏ vàng Nga khỏi thị trường quốc tế", ông Johnson tuyên bố.

Tuy nhiên, vàng đã trải qua một năm ảm đạm. Giá kim loại quý giảm 3,9% kể từ khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine. Theo Bloomberg, ngay cả khi Moscow là nhà khai thác vàng lớn thứ 3 thế giới, các lệnh cấm vận của G7 sẽ không thể đảo ngược tình hình.

Trước đây, Nga chiếm khoảng 12% xuất khẩu dầu thô của thế giới. Sau khi khai thác, gần như mọi thùng dầu thô đều được sử dụng trong vòng một năm. Trong khi đó, vàng dễ tích trữ hơn nhiều.

Vì thế, lượng dự trữ vàng rất lớn, lên tới 205.000 tấn, trong khi lượng vàng được khai thác mỗi năm chỉ khoảng 3.500 tấn. Khoảng 25% lượng vàng tiêu thụ mỗi năm đến từ việc bán, chế tác thành đồ trang sức, tiền xu, vàng thỏi và các kim loại công nghiệp.

Xuất khẩu vàng của các nước trên thế giới trong 10 năm qua
Trung tâm Thương mại Quốc tế
NhãnAustraliaHong KongMỹCanadaPeruNhật BảnNgaAnhUAETrung QuốcẤn Độ

tỷ USD 98.181.378.872.370.760.760.4-82.5-95.3-136.5-339

Vàng có xu hướng được tái chế nhiều hơn khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung gây áp lực lên giá.

Sản lượng vàng của Nga lên tới 300 tấn trong năm ngoái, chỉ sau Trung Quốc và Australia, chiếm tới 10% tổng sản lượng toàn cầu. Nhưng vấn đề không nằm ở sản lượng, mà là xuất khẩu ròng.

Trong 10 năm qua, thặng dư thương mại vàng cộng dồn của Nga khoảng 60,38 tỷ USD, nhỏ hơn mức 60,65 tỷ USD của Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản đạt được con số đó chỉ bằng cách bán lại lượng vàng mà nhà nước và khu vực tư nhân nắm giữ.

Trên thực tế, những công ty khai thác vàng của Nga đã bị cấm xuất khẩu đến năm 2020. Điều này có nghĩa là tại Nga, chỉ các ngân hàng mới có thể bán vàng sang những quốc gia khác.

Do đó, vàng được khai thác chủ yếu do ngân hàng trung ương nắm giữ. Lượng dự trữ vàng của Moscow đã tăng gấp đôi từ 1.035 tấn vào trước cuộc sáp nhập Crimea năm 2014 lên 2.302 tấn ở thời điểm hiện tại.

Bị tác động bởi tình hình kinh tế vĩ mô

Nguồn cung vàng của Nga đã tăng lên khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ cách đây 2 năm. Tuy nhiên, khác với những hàng hóa khác, thị trường vàng không được thúc đẩy bởi nguồn cung thực tế, mà biến động theo tình hình kinh tế vĩ mô.

Nguồn cung vàng từ Nga có thể giảm đi. Tuy nhiên, chi phí cơ hội của việc mua vàng - tài sản không trả lãi suất - cũng cao hơn khi lạm phát và lãi suất ở Mỹ tăng kỷ lục.

Thông thường, các quỹ giao dịch hối đoái sẽ mua, bán khoảng 500 tấn vàng trên thị trường mỗi năm. Giá biến động theo khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Điều đó sẽ có tác động lớn hơn việc 300 tấn vàng của Nga có được bán cho các nước G7 hay không, nhất là khi những quốc gia nhập khẩu lớn nhất thậm chí không tham gia vào các lệnh trừng phạt

Nhà báo David Fickling của Bloomberg

"Điều đó sẽ có tác động lớn hơn việc 300 tấn vàng của Nga có được bán cho các nước G7 hay không, nhất là khi những quốc gia nhập khẩu lớn nhất, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và UAE, thậm chí không tham gia vào các lệnh trừng phạt", nhà báo David Fickling của Bloomberg viết.

"Vàng ghi nhận mức tăng rất khiêm tốn sau thông báo. Lệnh cấm vận sẽ không tạo ra những thay đổi về mặt cấu trúc đối với triển vọng của giá vàng", ông Jeffrey Halley - chiến lược gia thị trường cấp cao của Oanda - nhận định.

"Trên thực tế, đó chỉ là việc chính thức hóa một lệnh cấm ngầm vốn đã được áp dụng từ lâu", ông nói thêm.

Ngày 7/3, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) - cơ quan quản lý thị trường vàng bạc lớn và lâu đời nhất thế giới - đã dừng giao dịch của tất cả công ty khai thác và tinh chế vàng của Nga.

Kể từ thời điểm chiến sự Ukraine nổ ra, các lô hàng giữa Nga và London đã giảm xuống gần bằng 0.

G7 sẽ ngăn Nga thu lợi từ dầu thô thế nào

G7 muốn dùng sức mạnh của ngành bảo hiểm và vận chuyển để hạn chế nguồn thu từ dầu của Nga. Nhưng việc thực hiện kế hoạch này là không dễ dàng.

Ai hưởng lợi khi phương Tây cấm vận vàng Nga?

Ngay cả trước tuyên bố của G7, vàng Nga đã bị phương Tây cấm vận ngầm. Tuy nhiên, Ấn Độ - nước nhập khẩu vàng lớn thứ 2 thế giới - có thể mua vàng Nga với giá rẻ, tương tự dầu thô.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm