Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

FLC bị ngừng sử dụng hóa đơn để cưỡng chế thuế

FLC tiếp tục vướng vào các vi phạm liên quan lĩnh vực thuế. Trong đó, Cục Thuế Hà Nội đã quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với tập đoàn này.

Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) vừa có thông báo về việc đã nhận được quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế Thành phố Hà Nội liên quan khoản nợ thuế gần 326 tỷ đồng của doanh nghiệp.

Cụ thể, cơ quan thuế thành phố đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với FLC, do tập đoàn này có số tiền nợ thuế quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế.

Với việc bị cơ quan thuế Hà Nội ngừng sử dụng hóa, Tập đoàn FLC sẽ không thể xuất hóa đơn cho các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ cho đối tác và khách hàng tại các đầu mối kinh doanh do Cục Thuế Hà Nội quản lý.

Thời gian gần đây, FLC liên tiếp vướng vào các vi phạm liên quan lĩnh vực thuế, chủ yếu đến từ các khoản nợ thuế hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp.

Đầu tháng 9 trước đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng của FLC. Trong đó, số tiền bị cưỡng chế là hơn 448 tỷ đồng thông qua 3 quyết định cưỡng chế và các tài khoản bị phong tỏa nằm tại OCB Chi nhánh Hà Nội, VIB Chi nhánh quận 1 và BIDV Chi nhánh Thanh Xuân.

flc,  flc group,  trinh van quyet anh 1

Tập đoàn FLC liên tục vướng vào các vi phạm liên quan lĩnh vực thuế với số nợ hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Đức Anh.

Đầu tháng 8, FLC cũng đã nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền gần 224 tỷ đồng.

Sau đó vài ngày, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đưa ra 9 quyết định, gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với tập đoàn này.

Ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương cũng ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền hơn 130 tỷ đồng với FLC.

Như vậy, chỉ trong chưa đầy một tháng gần đây, tập đoàn đa ngành này đã bị cưỡng chế xấp xỉ 1.000 tỷ đồng tiền thuế.

Là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn trên thị trường, hoạt động kinh doanh của FLC đã bị ảnh hưởng rất lớn sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết cùng một số lãnh đạo khác bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán.

Hiện tại, nhiều địa phương đã dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án của FLC, như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... Quy mô các dự án này lên tới hàng trăm ha, tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của FLC cho biết doanh thu thuần nửa đầu năm nay của tập đoàn đã giảm đến 60% so với cùng kỳ, đạt 1.661 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn thu tài chính sụt giảm, chi phí hoạt động tăng cao và phải gánh lỗ lớn từ công ty liên kết, FLC đã ghi nhận khoản lỗ ròng 1.106 tỷ đồng trong nửa năm qua. Đây là mức lỗ bán niên cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của tập đoàn này, chỉ sau mức lỗ kỷ lục cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch.

Theo kế hoạch, FLC dự kiến trình cổ đông mục tiêu doanh thu năm nay đạt 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đến nay tập đoàn vẫn chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua các chỉ tiêu này.

Trong khi đó, cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán đã bị HoSE đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 với giá tham chiếu 3.570 đồng/cổ phiếu.

Ngân hàng muốn thu siêu xe của ông Trịnh Văn Quyết để xử lý nợ

Hiện tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8 của FLC Faros tại ngân hàng BIDV chi nhánh Quy Nhơn lên tới gần 186 tỷ đồng.

Đua trần cổ phiếu FLC trong phiên cuối cùng

Cổ phiếu FLC tạm chấm dứt hơn một thập kỷ giao dịch trên sàn chứng khoán bằng một phiên hưng phấn, nhà đầu tư tranh mua đẩy giá kịch trần tại 3.570 đồng.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm