Trong ngày giao dịch cuối cùng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cổ phiếu FLC của FLC Group bất ngờ xuất hiện một lực mua lớn để nhanh chóng đẩy lên mức giá trần 3.570 đồng với thanh khoản cao.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,4 triệu cổ phiếu. Đây là phiên tăng điểm trở lại sau chuỗi lao dốc không phanh vì thông tin tiêu cực liên quan đến giao dịch cổ phiếu.
Trước đó HoSE đã ra thông báo chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin. Như vậy mã chứng khoán này sẽ tạm thời chấm dứt hơn một thập kỷ giao dịch trên sàn chứng khoán (ngày giao dịch đầu tiên 5/10/2011).
Cơ quan này cho biết FLC vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính năm 2021; chưa công bố báo cáo kiểm toán 2021 và chưa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.
Tương tự, cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược HAI cũng nhận thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9. Còn cổ phiếu ROS của FLC Faros đã bị ngừng giao dịch kể từ 12/8.
Trái ngược với nỗi lo cổ phiếu bị ngừng giao dịch và chưa hẹn ngày trở lại nhưng nhà đầu tư lại hào hứng mua đuổi. Không chỉ FLC mà các mã có thanh khoản thuộc nhóm này cũng đồng loạt tím trần.
Tổng khối lượng khớp của 5 mã (FLC, HAI, ART, AMD và KLF) đạt khoảng 34 triệu cổ phiếu, và vẫn còn lượng dư mua giá lớn hơn 10 triệu đơn vị khác.
Cổ phiếu FLC và HAI được tranh mua trong phiên giao dịch cuối cùng. Bảng giá: VNDirect. |
Trở lại diễn biến thị trường chung, các chỉ số chứng khoán tiếp tục gặp áp lực điều chỉnh mạnh sau phiên bán tháo hôm qua. Dù có nhiều lần thách thức của bên mua nhưng áp lực bán vẫn không suy giảm.
VN-Index kết phiên giao dịch rơi thêm 8,57 điểm (-0,69%) về mức thấp nhất trong ngày tại 1.234,6 điểm. Như vậy chỉ sau 2 phiên điều chỉnh, chỉ số này đã đánh mất phần lớn thành quả gần đây khi lui về vùng giá hồi đầu tháng 8.
Áp lực bán cũng không có dấu hiệu suy giảm tại các sàn ở Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index giảm thêm 1,9 điểm (-0,67%) còn 282,15 điểm và UPCoM-Index lui 0,08% xuống 90,31 điểm.
VN-Index nhiều lần giằng co giữa bên mua và bán nhưng vẫn thất thế về cuối ngày. Đồ thị: TradingView. |
Áp lực của thị trường chủ yếu do lực bán mạnh trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà dẫn đầu là VCB rơi thêm 2,5% còn 78.000 đồng, BID giảm 2,9% xuống 36.700 đồng hay CTG mất 1,8% giá trị về 26.850 đồng.
Ngoài ra thị trường còn bị điều chỉnh bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như HVN của Vietnam Airlines giảm kịch sàn sau thông tin có khả năng hủy niêm yết, GVR của Tập đoàn Cao su lao dốc 3,1% còn 25.000 đồng hay một số mã khu công nghiệp giảm sâu VGC, KBC, ITA...
Chiều kéo lên ghi nhận sự khởi sắc của một số mã tiêu dùng và nhóm bán lẻ. Trong đó đầu tàu là MSN của Masan bứt phá 2,7% lên 115.000 đồng, SAB của Sabeco có thêm 2% ở 191.700 đồng, MWG tăng lại 1,1% đạt 71.500 đồng, PET tăng 3% hay DGW đi lên 2,4%...
Thị trường nhìn chung vẫn chịu áp lực bán với sắc đỏ chiếm ưu thế. Toàn sàn có 603 mã giảm giá, 329 mã tăng giá và 181 mã đi ngang.
Áp lực bán đã có phần suy yếu so với hôm qua khi thanh khoản giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt 16.750 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE chỉ còn 12.723 tỷ đồng, giảm 32% so với hôm qua.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch không quá sôi động nhưng đã đảo chiều theo xu hướng tích cực. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua vào 714 tỷ và bán ra 639 tỷ, tương đương mua ròng trở lại 75 tỷ đồng.