Theo hồ sơ của tòa án Mỹ, công dân Trung Quốc Tang Juan, một nhà nghiên cứu về sinh học, đã được cấp thị thực không định cư vào mùa thu năm ngoái để tiến hành nghiên cứu tại Đại học California, Davis (UC Davis), CNBC đưa tin hôm 22/7.
Song sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tìm thấy hình ảnh cô mặc quân phục trên Internet, họ đã thẩm vấn cô về đơn xin thị thực vào ngày 20/6. Cô nói rằng cô chưa bao giờ phục vụ trong quân đội và không phải là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, hồ sơ cho biết.
Sau cuộc gặp đó với FBI, cô đã đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, nơi cô vẫn đang lưu trú, FBI nói. Chính phủ Mỹ đã đưa ra cáo buộc cấp liên bang đối với cô Tang vì gian lận visa vào ngày 26/6.
"FBI cho rằng, tại một thời điểm nào đó sau khi tìm kiếm và phỏng vấn cô Tang vào ngày 20/6/2020, cô Tang đã đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, nơi FBI cho rằng cô vẫn đang lưu trú", hồ sơ tòa án đề ngày 20/7 ghi.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Hồ sơ xuất hiện trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao, và việc giám sát các hoạt động nghi ngờ là gián điệp kinh tế của công dân Trung Quốc làm việc tại Mỹ có thể được đẩy mạnh.
Hôm 22/7, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, bang Texas. Các quan chức nói đây là hành động "để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ".
Một ngày trước, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố hai công dân Trung Quốc đã cố đánh cắp bí mật thương mại bằng cách tấn công mạng các công ty đang nghiên cứu vaccine Covid-19.
Các quan chức chính quyền Trump, bao gồm cả Giám đốc FBI Christopher Wray, đã lớn tiếng chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng các cuộc tấn công mạng để đánh cắp tài sản trí tuệ từ các tổ chức, công ty của Mỹ. Mỹ cũng đã cố cản trở tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei vì lo ngại rằng mạng không dây sử dụng công nghệ của họ có thể được sử dụng để do thám người Mỹ.
Trong hồ sơ vụ cô Tang, các luật sư Mỹ cố gắng kết nối sự việc với các nhà nghiên cứu khác có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc, tập trung vào một trường đại học ở Trung Quốc, được gọi là FMMU, có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
"Trường hợp bị cáo không phải là trường hợp riêng lẻ mà thay vào đó dường như là một phần của chương trình được thực hiện bởi PLA, và cụ thể là FMMU hoặc các tổ chức có liên quan, để đưa các nhà khoa học quân sự đến Mỹ với lý do ngụy tạo, dưới vỏ bọc giả mạo hoặc tuyên bố gian dối về công việc thực sự của họ", hồ sơ tòa án ghi.
"Có bằng chứng trong ít nhất một trường hợp như vậy, về việc một nhà khoa học quân sự sao chép hoặc đánh cắp thông tin từ các tổ chức của Mỹ theo sự chỉ đạo của cấp trên trong quân đội Trung Quốc".
Axios, trước đây từng đưa tin về vụ cô Tang, cho rằng việc sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao, quyền mà các lãnh sự quán được hưởng, để che chở cho ai đó bị cáo buộc phạm tội là động thái bất thường đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Công ước Vienna, thỏa thuận quy định về hành xử của viên chức ngoại giao ở nước ngoài, nói rằng đại sứ quán hoặc lãnh sự quán dù được miễn truy tố hình sự vẫn có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp và quy định của nước sở tại.
Chính phủ Mỹ nói trong hồ sơ ngày 20/7: "Như vụ cô Tang cho thấy, Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco cung cấp nơi trú ẩn an toàn tiềm năng cho một sĩ quan PLA có ý định trốn tránh việc bị truy tố ở Mỹ".