Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston, giữa cáo buộc rằng nơi này và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao khác của Bắc Kinh hoạt động gián điệp và gian lận visa.
Động thái này được xem là bước leo thang căng thẳng chưa từng có trong quan hệ song phương vốn đã xấu đi nhanh chóng.
Hình ảnh cho thấy lính cứu hỏa đứng bên ngoài Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston tối 21/7. Ảnh: WSJ. |
Các quan chức Mỹ nói Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đã trở thành tâm điểm quan ngại đang ngày một gia tăng của Washington.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell, việc đóng cửa diễn ra sau hàng loạt hoạt động xấu của phái bộ Trung Quốc, bao gồm gian lận visa và ăn cắp nghiên cứu - những xu hướng ông cho là gia tăng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, theo Wall Street Journal.
Trong vòng 72 tiếng cho đến 16h ngày 24/7, phái bộ ngoại giao Trung Quốc ở Houston phải rời đi.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói đây là hành động "để bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ", trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Washington "đơn phương khiêu khích chính trị".
Trong khi Mỹ từng yêu cầu Nga đóng cửa các cơ sở ngoại giao, gần đây nhất là để trả đũa việc Moscow can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Washington chưa từng có hành động như vậy đối với Bắc Kinh trong 4 thập kỷ kể từ khi hai chính phủ khôi phục bang giao.
Hoạt động mờ ám
Ông Stilwell, quan chức đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết một trong những lý do liên quan đến sự việc gần đây.
Một nhà ngoại giao Trung Quốc đã làm việc với hãng hàng không quốc gia Air China để đưa một số hành khách không rõ danh tính lên chuyến bay thuê bao dành cho sinh viên Trung Quốc rời Houston giữa những hạn chế đi lại vì dịch bệnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, trong phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 22/7, nói hoạt động gián điệp thương mại của Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại và nghiên cứu từ các công ty và trường đại học Mỹ, là những vấn đề gây căng thẳng cho mối quan hệ.
"Chính những yếu tố này đã khiến tổng thống (Trump) ra lệnh thực hiện một số hành động đáp trả", bao gồm việc không cho phép Trung Quốc tiếp tục vận hành lãnh sự quán tại Houston, theo ông Biegun.
Trung Quốc duy trì đại sứ quán ở Washington và các lãnh sự quán ở New York, Chicago, San Francisco và Los Angeles, bên cạnh lãnh sự quán ở Houston. Tổng lãnh sự quán Houston phụ trách khu vực tập trung đông đảo các tập đoàn và viện nghiên cứu lớn của Mỹ, đặc biệt là trong ngành y sinh.
Các quan chức Mỹ cho hay điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về các cáo buộc gián điệp kinh tế và các hoạt động gây ảnh hưởng thường dẫn đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Trong nhiều năm, FBI đã theo dõi những người được cho là sĩ quan tình báo hoạt động từ lãnh sự quán này, theo các cựu đặc vụ.
Trong bài phát biểu trước Hiệp hội Thống đốc Quốc gia hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc đến lực của các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm tác động đến chính sách của Mỹ. Ông nói các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ đang yêu cầu các thống đốc bang và chính trị gia địa phương không qua lại với Đài Loan.
Ông cho biết một lá thư như vậy đến từ một nhà ngoại giao tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và trong đó, người này đe dọa sẽ hủy bỏ một khoản đầu tư từ Trung Quốc nếu vị thống đốc đi Đài Loan.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo các nhà ngoại giao Trung Quốc đã có hoạt động nhằm gây ảnh hưởng tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ông Pompeo cũng đề cập đến bài viết của Wall Street Journal về cuộc điều tra của Hệ thống Đại học A&M Texas, có trụ sở gần Houston. Điều tra phát hiện rằng chính phủ Trung Quốc đã nhắm đến hơn 100 học giả của hệ thống giáo dục này cho các chương trình chiêu mộ nhân tài phục vụ mục tiêu nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc.
Tất cả họ đều làm việc trong các lĩnh vực mà Bắc Kinh xác định là ưu tiên trong phát triển khoa học, theo một lãnh đạo nhà trường. Bắc Kinh đã phủ nhận mọi nỗ lực có hệ thống nhằm đánh cắp nghiên cứu khoa học của Mỹ và truyền thông nhà nước Trung Quốc nói Mỹ đang sử dụng các cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ như một công cụ chính trị.
Nỗ lực có hệ thống
Ông Stilwell cho biết Mỹ đang bắt đầu giải quyết hành vi có vấn đề của Trung Quốc. Ông nhắc lại việc chính quyền Mỹ hồi tháng 5 quyết định cấm sinh viên cao học và nhà nghiên cứu Trung Quốc nộp đơn xin thị thực mới nếu họ đang làm việc hoặc từng làm việc với những nơi có thể thúc đẩy quân sự và quốc phòng của Trung Quốc.
Ông Stilwell và các quan chức Mỹ khác đã chỉ ra một số hành động gần đây của Bộ Tư pháp Mỹ, trong đó cáo buộc các nhà nghiên cứu Trung Quốc có hành vi gian lận, bao gồm một số người có liên hệ với hoạt động tại các cơ sở ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ.
Một trong số trường hợp liên quan đến một nhà nghiên cứu được mời đến Đại học Stanford. Người này đã xuất hiện lần đầu tại tòa án trong tuần này với cáo buộc nói dối về đơn xin thị thực của mình, được cho là để che giấu việc bà là người của quân đội Trung Quốc.
Bằng chứng mà FBI nêu ra để bắt giữ bà bao gồm một email mà nhà nghiên cứu này đã gửi đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở New York, trong đó bà thừa nhận rằng bệnh viện nơi bà làm việc ở Bắc Kinh "chỉ là vỏ bọc" và bà đã được Không quân Trung Quốc chấp thuận gia hạn quá trình học tập.
Bên ngoài Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston hôm 22/7. Ảnh: AFP/Getty. |
Các cựu quan chức FBI cho biết cơ quan này đã không ủng hộ việc đóng cửa các cơ sở của chính phủ Trung Quốc tại Mỹ vì FBI nhận thấy chúng là nguồn có giá trị để thu thập thông tin tình báo.
Họ nói việc cắt giảm số lượng thị thực được trao cho các nhà nghiên cứu hoặc lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc có thể là công cụ hiệu quả hơn và ít có khả năng kích động các biện pháp trả đũa.
"Thay vì đóng cửa một phái bộ Mỹ tại Trung Quốc, họ có thể đóng 3 nơi", ông Frank Montoya, cựu quan chức phản gián hàng đầu tại FBI, nói. "Không nghi ngờ gì nữa, họ cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động trong các lĩnh vực khác mà họ mạnh. Chúng ta sẽ thấy sự gia tăng các hoạt động mạng cũng như việc đánh cắp IP và các công nghệ nhạy cảm".
Chính phủ Trung Quốc phủ nhận các nỗ lực có hệ thống nhằm đánh cắp nghiên cứu khoa học của Mỹ và gọi việc yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán ở Houston là "hành động khiêu khích chính trị đơn phương".
"Trung Quốc hối thúc Mỹ lập tức rút lại quyết định sai lầm của mình, nếu không Trung Quốc sẽ có các phản ứng hợp pháp và cần thiết", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói trong cuộc họp tại Bắc Kinh hôm 22/7.