Giao diện công ty hẹn hò Match Group. Ảnh: Bloomberg. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến nổi bật trên thế giới.
Dù không quá mới, người dùng vẫn nên cảnh giác trước các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt thông qua app hẹn hò hay ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo.
FBI cảnh báo lừa đảo qua app hẹn hò
Cuối tháng 4, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, sử dụng app hẹn hò để chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng nỗi lo lắng khi hẹn hò trực tuyến, tội phạm mạng dụ dỗ nạn nhân tải các app “xác minh” đối phương, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân và tiền.
Sau khi gặp gỡ và làm quen đối tượng thông qua app hẹn hò trực tuyến, chúng gửi cho nạn nhân đường link dẫn đến trang web chứng minh độ uy tín, phòng ngừa hẹn hò với kẻ xấu hoặc tội phạm.
Cảnh báo hàng loạt trường hợp lừa đảo qua app hẹn hò. Ảnh: Cục ATTT. |
Khi truy cập, website hiển thị các bài báo giả mạo về độ uy tín. Quá trình xác minh yêu cầu cung cấp tên, số điện thoại, địa chỉ email và thông tin thẻ ngân hàng. Sau khi nhập xong, nạn nhân được chuyển đến website hẹn hò tính phí hàng tháng.
Theo FBI, mục tiêu của kẻ lừa đảo là chiếm đoạt phí sử dụng dịch vụ, cũng như thông tin được nhập ban đầu nhằm đánh cắp danh tính hoặc bán trên “web đen” (dark web).
Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối cảnh giác khi có tin nhắn yêu cầu làm quen từ người lạ, đặc biệt thông qua các ứng dụng hẹn hò.
Ngoài ra, cần tìm hiểu và nâng cao kiến thức về dấu hiệu nhận biết thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, click vào đường dẫn hay tải xuống phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Tiếp theo, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức. Cài đặt phần mềm, ứng dụng bảo mật tài khoản cá nhân để tránh bị chiếm đoạt tài sản và thông tin.
Khi gặp trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết.
Lừa đảo đầu tư chứng khoán online tại Ấn Độ
Mới đây tại bang Kerala (Ấn Độ), một bác sĩ 53 tuổi đã bị lừa 34 triệu rupee (khoảng 10,4 tỷ đồng) thông qua hình thức giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là chủ động liên hệ nạn nhân, giới thiệu mô hình giao dịch chứng khoán trực tuyến và đưa ra cơ hội kiếm tiền tiềm năng.
Nạn nhân cho biết được mời vào một chat trên WhatsApp. Những tên lừa đảo tạo niềm tin bằng cách chuyển một khoản lợi nhuận nhỏ, sau đó dụ dỗ tải ứng dụng giao dịch chứng khoán.
Cảnh báo lừa đảo đầu tư chứng khoán trực tuyến tại Ấn Độ. Ảnh: Cục ATTT. |
Thực chất, các app này cho phép tội phạm truy cập thông tin thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng của nạn nhân, từ đó dễ dàng đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng của họ.
Sau khi nhận ra hành vi lừa đảo, vị bác sĩ đã nhanh chóng liên hệ các cơ quan chức năng để hỗ trợ và điều tra, giải quyết.
Tương tự, một công dân tại thành phố Bhubaneswar đã trình báo với đơn vị phòng chống tội phạm mạng (thuộc tổ chức phòng chống tội phạm Odisha) sau khi bị một nhóm người lạ dụ dỗ tham gia giao dịch chứng khoán trực tuyến. Trong 20 ngày, người này đã bị lừa khoảng 6 triệu rupee (khoảng 1,8 tỷ đồng).
Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước lời mời tham gia đầu tư chứng khoán, dặc biệt dưới hình thức trực tuyến của đối tượng lạ.
Người dân phải giữ cảnh giác, chỉ tin tưởng các nền tảng, sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cẩn trọng trước lời đề nghị hoặc giới thiệu đầu tư dưới mọi hình thức, đặc biệt là không gian mạng.
Đồng thời, tìm hiểu kỹ các sàn giao dịch, công ty đầu tư tiền mã hóa. Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.
Bên cạnh đó, người dùng nên cẩn trọng với các khoản phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.
Bệnh viện bị công khai dữ liệu trên dark web
Ngày 7/5, một nhóm tin tặc đã công khai trên dark web dữ liệu chứa lượng lớn thông tin bệnh nhân và đội ngũ nhân viên tại bệnh viện NHS Dumfries & Galloway (nay thuộc Scotland, Anh) sau một cuộc tấn công mạng vào đầu tháng 3.
Cảnh báo tấn công mạng nhắm vào bệnh viện tại Scotland để đánh cắp dữ liệu, công bố trên web đen. Ảnh: Cục ATTT. |
Giám đốc bệnh viện, ông Julie White cho biết mình và toàn bộ nhân viên đang tích cực hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền như Sở Cảnh sát Scotland, Trung tâm an ninh mạng quốc gia và chính phủ Scotland nhằm tìm kiếm và khôi phục lại dữ liệu bị mất.
Trong cùng ngày, phía bệnh viện đã thiết lập đường dây trợ giúp, khuyến cáo người dân nhanh chóng liên hệ khi bắt gặp dấu hiệu thông tin của họ bị tiếp cận bởi một tổ chức lạ thông qua email, điện thoại, mạng xã hội...
Với trường hợp này, Cục ATTT cho biết người dân nên cẩn trọng trước các file hoặc đường dẫn được gửi từ đối tượng lạ. Tuyệt đối không truy cập các trang web bất hợp pháp, không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.
Người dùng nên cài đặt phần mềm bảo mật, kích hoạt xác thực 2 lớp, thường xuyên cập nhật phần mềm và các bản vá lỗi ứng dụng.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.