Mở mắt dậy, bạn với tay tìm chiếc smartphone ở đầu giường. Bạn kiểm tra hộp thư đến của mình và phát hiện hàng tá email spam ập đến. Nhấn vào Messnger, đột nhiên một người lạ xuất hiện giới thiệu bạn đầu tư vào một sàn giao dịch tiền điện tử.
Tiếp theo, một nhà tuyển dụng liên hệ với bạn thông qua LinkedIn vì ấn tượng với kinh nghiệm và kỹ năng của bạn. Họ muốn mời bạn đến làm cho các công ty Big 4, start-up đầy tiềm năng…
Đến khi lướt mạng xã hội, bạn lại nhìn thấy tài khoản YouTube hơn 7 triệu người theo dõi của Độ Mixi livestream tặng tiền số Ripple, hay quảng cáo cá độ, đánh bạc online đầy rẫy… Không chỉ vậy, bạn còn nhận cuộc gọi từ shipper các sàn thương mại điện tử đến giao hàng và thanh toán, dù chẳng nhớ mình đã đặt hàng khi nào.
Bạn quay cuồng với những câu hỏi có nên nhấp vào liên kết, nhận cuộc gọi, đồng ý lời mời làm việc hay đầu tư, chuyển tiền thanh toán như những người lạ này yêu cầu?
Đó là lúc bạn bước vào thế giới lừa đảo - một thế giới ngầm ẩn ngay bên dưới thế giới thực. Nó chứa đầy những tin nhắn không có thật, các cuộc gọi spam và các chiêu trò lừa đảo.
Không ai là miễn nhiễm trước mọi chiêu lừa đảo trực tuyến
Trên Internet, bất kỳ tiếp xúc nào với người lạ đều hàm chứa rủi ro. Đơn cử như với tính năng che giấu danh tính và vị trí thiết bị, một cuộc gọi có thể đến từ một công ty hoặc đến từ một tên lừa đảo giả vờ là đại diện thương hiệu đó.
Bạn thức dậy hàng ngày và đối diện với hàng loạt những rủi ro khác nhau. Ảnh: Wired. |
“Dường như mọi khía cạnh của cuộc sống giờ đây đều đi kèm với những trò lừa đảo. Viễn cảnh có thể bị lừa bất cứ lúc nào khiến chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương. Sự thiếu tin tưởng có nghĩa là bạn ngờ vực với bất kỳ thông tin nào. Bạn phải cảnh giác cao độ”, Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông ở Boston, nhận định.
Trong những năm đầu nở rộ của kỹ thuật số, ranh giới giữa thế giới thực và Internet rất vững chãi. Lướt web trong 1-2h vào buổi tối chỉ đơn giản là một sở thích tách biệt với công việc hàng ngày.
Thời đó, lừa đảo trực tuyến dễ dàng bị phát hiện hơn nhiều. Một người lớn tuổi không rành Internet có thể nhận được một email viết cẩu thả, sai lỗi đánh máy và rồi bị lừa tiền. Nhưng những người trẻ lại quá am hiểu về Internet, nên rất khó bị lừa.
Ranh giới thật - giả trên Internet ngày càng monh manh. Ảnh: New York Times. |
Nhưng bây giờ, chúng ta mang theo cả thế giới Internet trong túi của mình và dựa vào nó cho mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. "Chúng ta đang sống ở trong một chiếc máy tính", CEO Rachel Tobac của công ty an ninh mạng SocialProof Security nói.
Ngày nay, nạn nhân của lừa đảo qua mạng đa số là người trẻ, những người lớn lên cùng với Internet. Theo Better Business Bureau, năm 2023 ghi nhận lần đầu tiên những người từ 18-24 tuổi mất nhiều tiền do bị lừa đảo hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
TikTok tràn ngập các bài đăng của Gen Z, nói về việc họ “vào tròng” một quảng cáo mua hàng giả, ứng tuyển vào một công ty “ma” trên một trang web việc làm hay email bị tấn công, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Trở thành người quen thuộc với Internet không khiến bạn miễn nhiễm. Trên thực tế, nó khiến bạn trở thành mục tiêu của những trò lừa đảo tinh vi.
Những vở kịch tinh vi được dựng lên qua Internet, còn bạn chính là con mồi
Đương nhiên, vẫn còn rất nhiều kẻ xấu trong thế giới thực như “rich kid lừa đảo” Anna Delvey hay ông chủ sàn FTX Sam Bankman-Fried. Nhưng Internet đã tạo ra một kênh lớn hơn - với chi phí thấp hơn - cho các trò lừa đảo, nhà báo Cory Doctorow nói với New York Times.
Theo ông, trong khi giúp giảm bớt gánh nặng các công việc thường ngày, Internet cũng khiến các trò lừa đảo dễ dàng và tinh vi hơn. Chẳng hạn như trước đây, những kẻ lừa đảo sẽ ngồi trong những căn phòng tối, thực hiện hàng trăm cuộc gọi điện để lừa người lạ chuyển tiền khỏi tài khoản tiết kiệm.
Bây giờ, quy trình này được rút ngắn tối đa khi những kẻ lừa đảo có thể gửi hàng triệu tin nhắn và email lừa đảo với sự trợ giúp của bot tự động. "Nếu bạn có thể tự động hóa chiêu trò này, bạn có thể tạo ra một mạng lưới rộng hơn nhiều”, Cory Doctorow nói.
Theo báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), 80% người được khảo sát tại Việt Nam cho biết họ thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại gọi lừa đảo, trong khi khoảng 57,5% nhận được tin nhắn SMS lừa đảo.
Không chỉ người già, giới trẻ cũng là nạn nhân phổ biến của các trò lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Telegraph. |
Là người có hiểu biết và thận trọng về kỹ thuật số, ông Doctorow cũng không tránh khỏi lừa đảo.
Tháng 12/2023, khi đang đi nghỉ cùng gia đình ở New Orleans, ông nhận được cuộc gọi từ ngân hàng, xác nhận liệu ông có chi 1.000 USD tại một Apple Store ở New York hay không. Trên thực tế, người gọi là một kẻ lừa đảo đã lấy được số điện thoại và thông tin tín dụng của ông. Sau đó, kẻ này sử dụng phần mềm để giả mạo nhân viên ngân hàng.
Trong cuộc gọi, ông Doctorow đã đọc 7 số cuối trong số thẻ ghi nợ của mình, tức là đã đủ thông tin để kẻ lừa đảo bòn tiền từ tài khoản.
Công nghệ tinh vi khiến chiêu trò lừa đảo này nhan nhản khắp nơi. Ông Doctorow cho rằng nhờ dịch vụ các bên thứ 3 và công nghệ tự động hóa, cuộc gọi từ bộ phận dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhiều công ty lớn đã trở nên khó lòng phân biệt với những trò lừa đảo.
Charlotte Cowles, một phóng viên mảng tài chính, từng viết cho tờ New York Times, cũng là nạn nhân của mánh khóe tương tự. “Một người phụ nữ lịch sự với giọng nói nhỏ rí nói với tôi rằng cô ấy đang gọi từ bộ phận dịch vụ khách hàng của Amazon, để kiểm tra một số hoạt động bất thường trên tài khoản”, bà kể lại.
Bạn nên cảnh giác với mọi người lạ trên Internet. Ảnh: Washington Post. |
Cowles được thông báo rằng bà là nạn nhân của một vụ đánh cắp danh tính. Bà bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) điều tra, còn điện thoại thì bị nghe lén.
Một vở kịch do những kẻ lừa đảo dàn dựng, diễn ra qua đường dây điện thoại, nhưng lại chứa đựng tất cả các yếu tố của một trò lừa đảo hiện đại. “Chúng đang giả mạo dịch vụ khách hàng, tạo uy tín bằng các mẩu thông tin nhạy cảm lấy từ các trang web môi giới dữ liệu, lợi dụng sự khẩn cấp, sợ hãi và chính quyền để đưa nạn nhân vào tròng”, Cowles phân tích.
Theo chuyên gia an ninh mạng Rachel Tobac, các biện pháp mọi người sử dụng để tránh khỏi rủi ro trong thế giới thực sẽ không áp dụng được cho một thế giới Internet hoàn toàn mới. “Chúng ta đang ở trong lãnh thổ của những kẻ tấn công, trong khi chưa xây dựng được hệ thống phòng thủ”, bà nói.
Do đó, Tobac nghi ngờ gần như tất cả những người xung quanh mình. Bà phải lặp đi lặp lại quy trình xác minh thông minh nhiều bước của mình hàng chục, thậm chí hàng trăm lần một tuần. Ngay cả khi trả lời phỏng vấn tờ New York Times, bà cũng để lại tin nhắn: “Nhân tiện, đây không phải số thật của tôi đâu nhé”.
'Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.