Google rời bỏ thị trường Trung Quốc vào năm 2010, sau khi đồng sáng lập Sergey Brin chỉ trích chính phủ sở tại hành xử chuyên chế và kiểm soát nội dung gắt gao.
Những dịch vụ phổ biến toàn cầu như Google tìm kiếm, Gmail, YouTube không xuất hiện tại đây. Ngay cả khi smartphone Android phổ biến rộng khắp Trung Quốc, nó cũng được tùy chỉnh để chặn các ứng dụng cốt lõi của Google.
Tuy nhiên, sau thời điểm đó, gã khổng lồ trên lĩnh vực tìm kiếm luôn cố gắng trở lại thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này.
Google bí mật xây dựng công cụ Dragonfly dành riêng cho Trung Quốc, mở phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Bắc Kinh với mục đích làm hài lòng chính quyền sở tại.
Nỗ lực quay lại thị trường Trung Quốc của Google bị "dội gáo nước lạnh" sau lệnh cấm Huawei. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, nỗ lực của Google vấp phải khó khăn mới. Lệnh cấm từ ông Donald Trump buộc hãng phải ngừng hợp tác, không cho phép Huawei sử dụng Android và các dịch vụ kèm theo. Điện thoại của công ty Trung Quốc bán khắp châu Á, châu Âu trong thời gian tới sẽ không có Play Store, Gmail, YouTube.
Khác với nhiều hãng công nghệ Mỹ, Google không có sản phẩm quan trọng nào tại Trung Quốc, nhưng mất đi mối quan hệ với Huawei, con đường quay lại thị trường "tỷ dân" càng xa dần.
Cũng bị Trung Quốc "cấm cửa" như mạng xã hội Facebook và Twitter, nhưng Google thể hiện quyết tâm rõ ràng trong việc tìm đường quay lại thị trường này. Dragonfly được thiết kế để lọc kết quả tìm kiếm bị liệt vào “danh sách đen”, nó cũng có thể truy xuất ngược lại số điện thoại của người dùng. Đây là những tính năng làm hài lòng cơ quan quản lý Internet Trung Quốc.
Khi nhận được phản ứng quyết liệt từ những người ủng hộ nhân quyền, Google nói rằng Dragonfly chỉ là một dự án thử nghiệm, chưa có kế hoạch ra mắt chính thức. Quốc hội Mỹ đưa vấn đề này vào nội dung điều trần CEO Google Sundar Pichai hồi tháng 12/2018.
Vào năm 2017, Google bị phía Mỹ lên án khi mở phòng nghiên cứu AI tại Bắc Kinh. Theo tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, việc làm của gã khổng lồ tìm kiếm "gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc". Cuối cùng, đích thân Pichai phải gặp mặt ông Dunford và Tổng thống Mỹ Donald Trump để giải thích về vấn đề này.
Lệnh cấm Huawei khiến cho quan hệ giữa Google và chính quyền Trung Quốc thêm xa cách. Không quá để nói rằng, nếu so với Apple hay các công ty Mỹ khác, Google có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả sau quyết định của Donald Trump.