Nhưng trước đó, các thi thể phải nằm cô quạnh giữa các cánh đồng, bị giằng co giữa những ý đồ chính trị và sự đổ lỗi qua lại của các bên liên quan, New York Times cho hay.
Trong khi chính quyền Kiev liên tục lên tiếng cáo buộc phiến quân đã ngăn cản các chuyên gia và lực lượng cứu hộ tiếp cận với khu vực xảy ra tai nạn, quân đội ly khai lại khẳng định họ đang hết mình hợp tác. Họ cũng cáo buộc sự chậm trễ của các quan chức quốc tế tại hiện trường là do bị chính phủ Ukraina cản trở.
Hôm chủ nhật, một đội cứu hộ tạm thời bao gồm các thợ mỏ, dân làng và các nhân viên với trang thiết bị nghèo nàn đã được thành lập. Họ phải qua đêm trên cánh đồng, giữa những chiếc lều dã chiến và mùi khó chịu.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, hôm chủ nhật cho biết Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã thỏa thuận với lực lượng ly khai để đưa một đoàn tàu vào vùng chiến sự.
"Tất cả các nỗ lực đều nhằm vào việc đưa đoàn tàu này vào vùng lãnh thổ đang xảy ra tranh chấp", ông Rutte nói trong một cuộc phỏng vấn ở Amsterdam. Cũng theo ông Rutte, một nhóm chuyên gia hôm qua đã có mặt ở hiện trường với nhiệm vụ xác định danh tính các nạn nhân.
Các nhân viên cứu hộ làm việc ở hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AFP |
Andriy Lysenko, phát ngôn viên Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina, nói trong một cuộc họp báo tại Kiev, rằng lực lượng ứng cứu khẩn cấp của nước này bị buộc phải chuyển các thi thể của nạn nhân vụ máy bay rơi cho lực lượng ly khai. Nhiều quan chức Ukraina còn cáo buộc phiến quân vì đã tạo ra một rào chắn ngăn cản các chuyên gia quốc tế.
Nhưng tình hình tại thực địa dường như lại diễn ra hoàn toàn trái ngược.
Thay vì một khung cảnh sặc mùi thuốc súng với cảnh sát, trực thăng và các chuyên gia pháp y, nơi này chỉ ghi nhận sự tồn tai của các dân quân.
"Đây là một thảm họa có một không hai", Michael Bociurkiw, phát ngôn viên của cơ quan an ninh châu Âu, nói.
Cách đó nửa vòng trái đất, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng, chỉ có các hoạt động điều tra nghiêm túc mới giúp tìm ra kẻ thực sự đứng sau thảm họa, nhưng những hy vọng về một bằng chứng xác đáng dường như đang mờ dần khi mỗi ngày trôi qua.
Nhiều ngày sau vụ tai nạn, bằng chứng quan trọng nhất về vụ tai nạn vẫn đang nằm đó, giữa một cánh đồng lúa mì cách trung tâm hiện trường 5 dặm: một miếng kim loại hình ống, dường như là phần bên ngoài của chiếc máy bay, với những lỗ thủng hình tròn trên bề mặt. Một chuyên gia về vũ khí, người đã xem qua những bức ảnh về hiện trường, cho rằng những lỗ thủng này nhiều khả năng là do tên lửa mà giới chức Mỹ tin rằng đã bắn hạ máy bay gây ra.
Dù vậy, thì sự thiếu vắng niềm tin vẫn đang cản trở quá trình điều tra. Một trong những thủ lĩnh quân ly khai từng tuyên bố đã phát hiện đoạn băng thu âm, trong đó ghi lại tình trạng của chuyến bay trước khi bị bắn hạ. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ chỉ giao nó cho các chuyên gia quốc tế.
Trong khi các bên không ngừng tranh cãi, thì việc tìm kiếm thi thể những nạn nhân xấu số dường như lại đang đè lên vai dân làng. Nikolai, một thợ mỏ, vẫn ngày ngày cùng các đồng nghiệp tìm kiếm phần còn lại của chiếc máy bay và cả các nạn nhân.
Người đàn ông này cũng là một trong những nạn nhân của cuộc xung đột chính trị. Hồi đầu tuần trước, một quả bom đã bắn trúng căn hộ nơi cả gia đình Nikolai đang chung sống và cướp đi sinh mạng của anh trai ông.
"Anh ấy sẽ tròn 55 tuổi trong tuần này", Nikolai nói, trong khi đang cắn hạt hướng dương. Ông cũng giống như rất nhiều người khác, tin rằng chính phủ Ukraina phải chịu trách nhiệm cho thảm họa lần này.
Ngay sau vụ tai nạn, dân làng Grabovo đã tập trung tại hiện trường, cầu nguyện và đặt hoa bên thi thể của những hành khách quá cố. Trước thông tin cáo buộc phiến quân đã lấy trộm thẻ tín dụng từ hành lý của các nạn nhân, Elena, một dân thường, giận dữ tuyên bố:
"Đó là một tội lỗi, một tội lỗi to lớn đối với đức tin của chúng tôi", cô nói. "Đây là một nghĩa địa. Ai lại ăn trộm ở một nơi như thế?"