Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường sắt bỏ hoang, hàng năm vẫn tốn 10 tỷ đồng

Dù ngưng hoạt động, Nhà nước vẫn phải chi gần cả chục tỷ đồng để trùng tu công trình, trả lương cho nhân viên đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường sắt cầu Giát - Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Tuyến đường huyết mạch một thời

Được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20, tuyến Cầu Giát từng là tuyến đường sắt huyết mạch có nhiệm vụ tập kết vật liệu, nông lâm sản hai miền xuôi ngược trong tỉnh cũng như phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của vùng Phủ Qùy. Tuy nhiên, đã gần chục năm nay, tuyến đường sắt này đã “vắng tanh như chùa bà Đanh” những chuyến tàu. 

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn có chiều dài trên 30 km, nối miền Tây của tỉnh Nghệ An với trục đường sắt Bắc - Nam. Tuyến có điểm đầu tại thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) và điểm cuối là huyện Nghĩa Đàn, toàn tuyến có 3 ga chia làm 4 cung. Trước đây tuyến đường sắt này là một trong những tuyến đường huyết mạnh, chủ lực dùng để vận chuyển người và hàng hóa từ các huyện miền núi của tỉnh đi cả nước và ngược lại. 

Ga Nghĩa Đàn “vắng tanh như chùa bà đanh”.
Ga Nghĩa Đàn “vắng tanh như chùa bà đanh”.

Ông Trương Văn Dũng, Trưởng ga Nghĩa Đàn cho biết: “Khi còn hoạt động, thời điểm nhộn nhịp nhất có đến bốn chuyến tàu lên xuống mỗi ngày. Thời hoàng kim, tàu hoạt động hết công suất, chuyên chở các sản phẩm hàng hóa như lương thực thực phẩm, quặng đá... về xuôi và đi nhiều nơi khác trong tỉnh”.

Cũng theo ông Dũng, thời kỳ nhộn nhịp nhất, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn vận chuyển được 270 tấn hàng/ngày. Với giả thuyết nếu tuyến đường sắt hoạt động trở lại, thì Quốc lộ 1A sẽ được giảm tải trọng rất nhiều vì giảm thiểu thực trạng các xe quá tải băm nát quốc lộ như thời gian gần. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường sắt này dường như bị lãng quên, cây cối mọc um tùm.

Mỗi năm chi gần 10 tỷ đồng 

Theo thống kê của Xí nghiệp Vận tải đường sắt Nghệ - Tĩnh, đã 10 năm qua, tàu khách đã dừng chạy trên tuyến đường này, còn tàu hàng cũng đã ngừng gần 5 năm nay. Mặc dù vậy, để tránh hiện tượng người dân lấn chiếm hành lang đường sắt thì nhà nước vẫn buộc phải duy trì một đội ngũ công nhân thường nhật. 

Hiện tại, số nhân viên đang làm công tác trên tuyến đường sắt này lên đến 30 người bao gồm nhân viên trực ga, thông tin, cầu đường với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng cộng với kinh phí duy tu, mỗi năm ngân sách Nhà nước đã phải chi gần 8,5 tỷ đồng.  

 Hàng ngày, nhật ký các chuyên tàu đều ghi dòng chữ “Không có tàu”.
Hàng ngày, nhật ký các chuyên tàu đều ghi dòng chữ “Không có tàu”.


Điều đáng nói, không phải tuyến đường sắt này đã trở thành “vô dụng” bởi trên thực tế vẫn có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, công ty, cá nhân có nhu cầu đặt hàng tàu vận chuyển nhưng đành chịu vì… tàu không còn hoạt động. Vì vậy một bài toán đặt ra lúc này là cần khôi phục lại hoạt động của tuyến đường sắt này, tránh lãng phí một nguồn ngân sách khổng lồ chỉ vì một tuyến đường sắt bỏ hoang.

Nói về vai trò của đơn vị quản lý đường sắt trong vấn đề này, ông Cao Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ - Tĩnh cho biết: "Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn đi qua khu vực rừng núi, bán kính đường cong nhỏ, nên chỉ khai thác được tốc độ chạy tàu 15 km/h. Để đảm bảo cho công tác chạy tàu về mặt quản lý thì chúng tôi cố gắng duy trì trạng thái cầu đường, đảm bảo cấp độ chạy tàu. Còn đối với công tác vận tải thì Tổng Giám đốc vận tải đường sắt đã giao nhiệm vụ làm việc trực tiếp với chủ hàng để đưa việc vận tải trở lại trong thời gian sớm nhất".

http://phuongnam.net.vn/2-8-3643-Nghe-An-Duong-sat-bo-hoang-hang-nam-van-chi-10-ty-dong.html

Theo Đào Phan/Báo Phuongnam.net.vn

Bạn có thể quan tâm