Tháng trước, dư luận không khỏi ấn tượng với hình ảnh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng xử lý một số xe quá tải ngay trên quốc lộ 1 và 12 đoạn qua Hà Tĩnh. Hôm 9/7, ông lại vòng qua đoạn quốc lộ trên đốc thúc nhưng rạng sáng 22/7, một đoàn xe “siêu trọng” vẫn tung hoành ở khu vực này.
Sau nhiều lần thấy đoàn xe bồn biển số 18, 36, 37... chở xi-măng cho dự án Formosa chạy về qua trạm cân, lực lượng tại trạm cân lưu động số 12 đóng ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã nghi ngờ và cắt cử người theo dõi.
Ly kỳ như phim
Sau một đêm mật phục trên quốc lộ 15 thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), đoàn liên ngành Hà Tĩnh đã bắt, xử phạt 6 ôtô “siêu trọng” chạy tránh trạm cân này.
Ông Nguyễn Trần Toản, Trạm trưởng trạm cân số 12, cho biết để nắm được lịch trình của đoàn xe bồn “siêu trọng” này, trạm đã cho một số thành viên mặc thường phục, đi xe máy đón lõng ở phía bắc thị xã Hồng Lĩnh.
“Đêm 21/7, trinh sát báo về có khoảng 5 xe bồn chở vật liệu xi măng đã tập kết bên đường ở phía bắc thị xã để “cò” dẫn chạy đường tránh trạm, chúng tôi bắt đầu triển khai lực lượng”, ông Toản kể.
Để nghi binh, đoàn liên ngành đã thành lập một trạm cân tại ngã ba Khe Giao đoạn giao giữa quốc lộ 15 và tỉnh lộ 550. Đến 0h ngày 22/7, đoàn xe bồn bắt đầu chạy vào thị xã Hồng Lĩnh rồi rẽ lên quốc lộ 8 để tránh trạm cân đặt ở phía nam thị xã. Theo quốc lộ 8, đoàn xe được “cò” dẫn chạy đến ngã ba Lạc Thiện thì rẽ sang quốc lộ 15. Khi đoàn xe bồn chạy đến xã Đồng Lộc, đoàn liên ngành đã bố trí hai tổ dùng hai ôtô chặn hai đầu đoàn xe.
Những chiếc xe bồn chở xi-măng cho dự án Formosa (Hà Tĩnh) bị bắt giữ vào rạng sáng 22/7 do chở quá tải gấp ba lần. |
“Để bắt được đoàn xe chở quá tải, chúng tôi phải huy động đến 12 người. Khi dừng được xe, tài xế cố thủ trong cabin không chịu hợp tác buộc chúng tôi phải thức trắng đêm ngồi chặn xe chờ sáng”, ông Toản nói thêm.
Theo ông Toản, nếu đoàn xe bồn này không bị bắt giữ thì chạy đến ngã ba giao nhau giữa quốc lộ 15 với tỉnh lộ 6 để rẽ xuống quốc lộ 1 rồi chạy vào Formosa (Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh) đổ hàng.
Chở quá tải gấp 3 lần
Ông Trần Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, cho biết đến 7h ngày 22/7 tài xế của xe bồn bị bắt giữ trong đêm mới hợp tác.
Sau khi cân kiểm tra tại hiện trường, 6 xe bồn đều chở vượt quá tải trọng cho phép từ 100-150%. Ví dụ như xe 18R-00042, ngoài xác xe (23 tấn) thì được chở trọng tải tối đa 25 tấn nhưng xe này chở hơn 70 tấn, gấp gần 3 lần tải trọng cho phép.
Khi kiểm tra, có một số tài xế trình ra hai hóa đơn xuất kho, ông Tuấn cho biết. Như đối chiếu trọng tải của xe 18C-03227, với hóa đơn xuất kho 25 tấn là được phép chở (đăng ký xitec của xe 25,5 tấn), còn hóa đơn thứ hai 43,3 tấn là phần chở thêm.
Theo ông Tuấn, quốc lộ 15 chỉ cho phép xe dưới 13 tấn, khi đoàn xe này đi qua mỗi xe khoảng 90 tấn là gấp 7 lần trọng tải đường cho phép. Chính yếu tố này dễ làm đường hư hỏng, mau xuống cấp.
Sau khi lập biên bản, cơ quan chức năng đã xử phạt tài xế 6 triệu đồng và chủ xe 6 triệu đồng, ông Tuấn cho biết. Hiện 6 chiếc xe bồn “siêu trọng” đã được áp giải về bến xe thị xã Hồng Lĩnh để hút xi-măng sang xe khác hạ tải. Riêng 6 tài xế bị tạm giữ bằng lái hai tháng đúng theo quy định.
Ông Nguyễn Trần Toản, Trạm trưởng trạm cân số 12, cho biết trong quá trình xử lý 6 xe bồn chở quá tải vào rạng sáng 22/7 có phát hiện “cò” dẫn xe chạy tránh trạm cân.
Vì lực lượng tham gia bắt giữ xe chở quá tải không có chức năng bắt giữ người nên không thể xử lý được “cò”, chỉ có thể báo cáo lên cơ quan công an. Trong thời gian tới, trạm sẽ tăng cường xử lý trên mọi tuyến đường khả nghi có xe chở quá tải chạy tránh trạm.
Xe “hổ vồ” vẫn hoành hành bất chấp lệnh cấm
Trong khi đó tại Thừa Thiên - Huế, ngày 10/7 Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp đi kiểm tra đoạn quốc lộ 1 tránh TP Huế bị hằn lún bất thường sau một năm nâng cấp và yêu cầu đơn vị quản lý đoạn quốc lộ 1 tìm nguyên nhân.
Tiếp đó ngày 16/7, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện và mới đây nhất là ngày 18/7, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ lại tiếp tục kiểm tra đoạn đường quốc lộ 1 tránh TP Huế.
Cả hai vị lãnh đạo của ngành giao thông vận tải đều yêu cầu phải xử lý, dẹp bỏ loại xe tải có hiệu Howo (thường gọi là xe “hổ vồ”) thủ phạm phá nát mặt đường. Tuy nhiên, khi các đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải kết thúc kiểm tra thì mọi việc vẫn tái diễn như cũ.
Nhà thầu Trùng Phương vẫn ngang nhiên sử dụng xe 'hổ vồ' vận chuyển vật liệu trên đoạn quốc lộ 1 tránh TP Huế sáng 21/7. |
Ngày 21/7, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều xe “hổ vồ” có thùng chở hàng “siêu tải” chở đất san nền quốc lộ 1 đoạn phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là đoàn xe của Công ty TNHH Trùng Phương - nhà thầu thi công dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 ở Thừa Thiên - Huế.
Các xe tải “hổ vồ” này chở đất đá quá tải 200-300% vào công trường. Đoàn xe này xuất phát từ giữa đoạn quốc lộ 1 tránh TP Huế, thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Sau đó, theo con đường này chạy ra phía bắc tỉnh.
Tổng cục Đường bộ cho biết loại xe “hổ vồ” chỉ được phép chở 8,5 tấn, tuy nhiên các xe này của Công ty Trùng Phương đều chở 30-40 tấn, chạy dày đặc trên đoạn quốc lộ 1 tránh TP Huế.
Trước đó ngày 12/6, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu nhà thầu cung cấp vật liệu dự án xây dựng các công trình giao thông phải có cam kết chở đúng trọng tải. Trường hợp nhà thầu tái diễn vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định, đồng thời xem đây là tiêu chí để Bộ Giao thông vận tải xếp hạng năng lực của nhà thầu.
Đến ngày 26/6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu chủ các phương tiện vận chuyển vật liệu cho dự án mở rộng quốc lộ 1 không được sử dụng xe vi phạm kích thước thùng hàng, nếu vi phạm sẽ chấm dứt hợp đồng vận chuyển và đồng thời đình chỉ nhà thầu tiếp tục để ôtô vi phạm chở quá tải.
Tiếp đó ngày 10/7, Tổng cục Đường bộ lại có văn bản yêu cầu chủ đầu tư và ban quản lý các dự án buộc các nhà thầu không được sử dụng xe quá tải và phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo ngày 26/6, đồng thời phải siết chặt kiểm tra, chấm dứt xe quá khổ quá tải vào cuối năm 2014.