Tại hội nghị “Triển khai kế hoạch xử lý ôtô tải tự đổ thay đổi kích thước thùng hàng, xe khách hoán cải tăng số giường nằm” do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, đại diện các địa phương bày tỏ bức xúc trước tình trạng xe tải tự đổ chở nguyên vật liệu vẫn rầm rập chạy trên đường nhưng lực lượng chức năng địa phương khó xử lý vì trong số đó đa phần là “xe vua”.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40.000/62.000 xe ô tô tải, xe tải tự đổ đã thay đổi kích thước thùng chở hàng với mục đích chở quá tải trọng.
Còn ông Thân Văn Thanh, phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nhiều xe ô tô tải tự đổ ở địa phương được ví như “xe vua”. Lực lượng chức năng địa phương gần như rất khó xử lý vì động chạm lợi ích nhóm. Hiện loại xe này vẫn hoạt động khá rầm rộ trên nhiều tuyến quốc lộ.
Khi bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng lại kiểm tra các chủ xe quá tải còn công khai phản đối. Ảnh: VOV Giao thông |
Chia sẻ quan điểm này, đại diện Sở GTVT Hà Giang cho biết: “Nhiều chủ xe, doanh nghiệp chở quá tải không “sợ” Sở GTVT tỉnh, có xe khi bị chúng tôi dừng lại kiểm tra còn công khai phản đối và sau đó chỉ một cuộc điện thoại là xe lại được phép chạy”.
Không riêng Hà Giang, nhiều địa phương phản ánh, có tình trạng xe tải tự đổ chở nguyên vật liệu vẫn rầm rập chạy trên đường nhưng lực lượng chức năng địa phương "bó tay”. Các loại xe này làm hư hỏng hệ thống cầu, đường, gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, hiện nay tình trạng các xe ô tô tải thùng tự đổ và xe xi téc tự ý thay cơi nới kích thước thùng trong 2 kỳ đăng kiểm đang diễn ra phổ biến. Trong khi đó, các cơ quan đăng kiểm chưa kiểm soát được những xe này giữa 2 kỳ đăng kiểm.
Theo ông Thọ, hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử phạt, có đủ điều kiện để thực hiện siết xe quá tải trọng, xe cơi nới. Lực lượng thanh tra lên tới 3.000 người nhưng tình trạng xe quá tải vẫn rầm rập chạy trên đường.
"Chúng ta cũng chỉ biết kêu và đổ lỗi cho doanh nghiệp, cho địa phương mà không tự hỏi mình đã làm gì để ngăn chặn? Dường như chúng ta vẫn còn vô cảm với việc kết cấu đường sá bị phá hoại", Thứ trưởng Thọ đặt câu hỏi.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ thành lập 4 đoàn để thanh tra tại các địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT cho phép tháo biển đối với những xe chở hàng cố tình đỗ ở hai đầu trạm cân từ 1 tiếng trở lên.
Đối với xe vi phạm lần đầu, đơn vị Đăng kiểm sẽ thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, yêu cầu doanh nhiệp phải khắc phục, cắt giảm kích thước thùng hàng của xe phù hợp quy định.
Đối với chủ phương tiện vi phạm lần thứ hai trở đi đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định và xử phạt theo quy định của pháp luật…