- Giao tranh bước qua ngày thứ tư, đánh dấu bằng những tiếng nổ lớn ở Kyiv
- Vasylkiv thành tiêu điểm tấn công
- Đường ống khí đốt nổ tung ở Kharkiv
- Đức phá lệ, gửi vũ khí chống tăng và tên lửa Stinger cho Ukraine
- Mỹ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Đức nhất trí loại bỏ nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT
- Bộ Quốc phòng Nga ra lệnh mở rộng tiến công "từ mọi hướng"
Cơ quan Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt của Ukraine cảnh báo vụ nổ trông giống một đám mây hình nấm, có thể gây ra "thảm họa môi trường", AP đưa tin.
Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân che cửa sổ bằng vải hoặc gạc ẩm và uống nhiều nước.
Ảnh: Cơ quan liên lạc thông tin đặc biệt Ukraine. |
Công tố viên hàng đầu của Ukraine, Iryna Venediktova, cho biết lực lượng Nga đã không thể chiếm Kharkiv, nơi một trận chiến ác liệt đang diễn ra.
Thành phố 1,5 triệu dân này nằm cách biên giới Nga 40 km.
Cơ quan Khẩn cấp Quốc gia của Ukraine cho biết một khu chung cư 9 tầng ở phía đông thành phố Kharkiv đã trúng pháo kích đêm 26/2, ít nhất một phụ nữ thiệt mạng.
Tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng. Khoảng 80 người được giải cứu, hầu hết trú trong tầng hầm.
Trong khi đó, tại Vasylkiv, miền Trung Ukraine, kho trữ dầu cũng bị nhắm mục tiêu. Video về vụ cháy tại khu vực chứa dầu ở phía tây nam đường băng chính của căn cứ không quân đã lan truyền trên mạng xã hội sáng 27/2.
Kho trữ dầu ở Vasylkiv trúng tên lửa
Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng Vasylkiv, ở phía tây nam Kyiv đang trở thành mục tiêu tấn công ngày 27/2. Những tiếng nổ lớn và đám cháy được ghi nhận tại đây.
CNN xác nhận một video đám cháy ở khu vực kho trữ dầu phía tây nam đường băng chính của căn cứ Vasylkiv.
“Vụ tấn công bằng tên lửa vào kho dầu Vasilkovskaya của công ty KLO. Lực lượng cứu hộ đã đến hiện trường. Nhiều khả năng không có thương vong. Nhưng thiệt hại về môi trường sẽ rất lớn", Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết.
Một người dân mang vũ khí ở Kyiv cầm theo giỏ mèo và bình cá từ ngôi nhà bị pháo kích hôm 26/2. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, CNN đưa tin về vụ nổ cách trung tâm thủ đô Ukraine khoảng 20 km. Theo phóng viên CNN, bầu trời đêm Kyiv đã bừng sáng trong vài phút.
Kyiv cũng ghi nhận vụ nổ thứ hai làm rung chuyển cả thủ đô ngay trước 1h (theo giờ địa phương). Vụ nổ thứ hai cũng đến từ phía tây nam của thành phố, theo hướng sân bay lớn thứ hai tại đây.
Illia Ponomarenko, phóng viên của Kyiv Independent, cho biết người dân trong khu vực đã được khuyến cáo nên đóng cửa sổ để tránh khói hóa chất độc hại.
Từ kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, Liên Hợp Quốc cho biết họ đã xác nhận ít nhất 240 thương vong dân sự, với ít nhất 64 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, cơ quan này nói thêm họ tin rằng "số liệu thực tế cao hơn đáng kể" vì nhiều báo cáo về thương vong vẫn chưa được xác nhận.
Người dân trú tạm dưới hầm để xe của khách sạn ở Kyiv, Ukrainư ngày 27/2. Ảnh: AP. |
Guardian đưa tin các báo cáo chưa được xác nhận cho biết căn cứ không quân ở phía tây nam thành phố Kyiv có thể đang bị nhắm mục tiêu và một cuộc không kích dự kiến sắp xảy ra.
Moscow sẽ điều động thêm quân
Theo Financial Times, Moscow sẽ điều động thêm quân vào Ukraine và tăng cường tấn công các vị trí chiến lược xung quanh nước này sau khi vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ.
Trước đó, các lực lượng Ukraine đã thành công trong việc làm chậm bước tiến của Nga vào Kyiv nhưng các quan chức phương Tây cảnh báo về một "cuộc chiến lâu dài" phía trước khi Moscow đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.
Với một cuộc tấn công dữ dội của Nga vào Kyiv, được dự đoán có thể xảy ra trong vòng vài giờ tới, các nước phương Tây đang gấp rút hứa hẹn viện trợ quân sự cho Ukraine và bắt đầu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề hơn chống lại Moscow.
Hôm 26/2, Ukraine đã cáo buộc Nga phóng tên lửa hành trình vào mục tiêu dân sự, trong khi Moscow nói rằng tên lửa phòng không bảo vệ Kyiv đã gặp trục trặc và lao vào tòa nhà.
Binh sĩ Ukraine bước đi trên tàn dư của chiếc xe tải quân sự cháy rụi ở đường phố Kyiv, Ukraine ngày 26/2. Ảnh: AP. |
Đêm 26/2 đã chứng kiến một số động thái bước ngoặt của phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có việc Đức tuyên bố sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Mỹ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, thông báo đồng ý loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Đức phá lệ
Berlin đã thay đổi chính sách từ cấm xuất khẩu vũ khí sang các khu vực xung đột, và cam kết chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng hết mình để giúp Ukraine phòng thủ trước đội quân của Nga”, AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi chính phủ nước này phê duyệt việc chuyển giao lô vũ khí sát thương lớn cho Ukraine.
Ông cho biết thêm cuộc tấn công của Nga đánh dấu một “bước ngoặt trong lịch sử", "đe dọa toàn bộ trật tự thời hậu chiến".
Nước này cũng đã thông qua việc chuyển giao 400 bệ phóng tên lửa chống tăng qua Hà Lan cho Ukraine vào hôm 26/2.
Các bệ phóng tên lửa chống tăng đã được Hà Lan mua từ Berlin, do đó, chính quyền Hague đã yêu cầu Đức bật đèn xanh để giao chúng cho Kyiv.
Tương tự, yêu cầu từ Estonia về việc chuyển 8 xe lựu pháo cũ sang Ukraine đã được chấp thuận.
Bên cạnh vũ khí, 14 xe bọc thép sẽ được bàn giao cho Ukraine, và "sẽ phục vụ cho việc bảo vệ nhân viên, có thể cho mục đích sơ tán", một nguồn tin chính phủ cho biết.
Ngoài ra, 10.000 tấn nhiên liệu cũng sẽ được gửi qua Ba Lan tới Ukraine. Nguồn tin cho biết thêm rằng "các dịch vụ hỗ trợ có thể có khác đang được xem xét".
Ngoài ra, Bộ Giao thông Đức cho biết nước này có thể cấm các chuyến bay của Nga trên không phận của mình.
“Bộ trưởng Volker Wissing ủng hộ việc đóng cửa không phận Đức đối với máy bay Nga và đã ra lệnh chuẩn bị mọi thứ cho việc này”, Bộ cho biết trong một bài đăng trên Twitter.
Cho đến nay, 9 quốc gia, bao gồm Cộng hòa Czech, Ba Lan và Anh cũng đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hoặc một phần đối với các chuyến bay đến từ Nga.
AFP cho biết Nga hôm 27/2 đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không chở khách thuộc sở hữu hoặc đăng ký ở Latvia, Lithuania, Estonia và Slovenia.
Động thái “ăn miếng trả miếng" này được đưa ra sau khi các quốc gia châu Âu cấm các chuyến bay của Nga trên lãnh thổ của họ, với lý do xung đột ở Ukraine.
Phương Tây sẽ loại ngân hàng Nga khỏi SWIFT
Mỹ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, hôm 26/2 thông báo đồng ý loại bỏ những ngân hàng Nga cụ thể ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
“Khi lực lượng Nga mở cuộc tấn công vào Kyiv và các thành phố của Ukraine, chúng tôi quyết tâm tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh tay vào Nga để Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế khác. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp này trong vòng những ngày tới”, Guardian trích thông báo từ các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh, Canada, và Mỹ.
Trụ sở của SWIFT tại La Hulpe, Bỉ. Ảnh: AFP. |
Tuyên bố chung hôm 26/2 chỉ đưa ra một số chi tiết về thời điểm áp dụng biện pháp này và những ngân hàng Nga bị loại bỏ khỏi SWIFT.
“Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng những ngân hàng cụ thể từ Nga sẽ bị xóa khỏi hệ thống SWIFT. Các ngân hàng đó bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu”, tuyên bố nêu.
SWIFT là hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu, xử lý các giao dịch của khoảng 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.
Nhiều nước phương Tây đã lên tiếng đề nghị loại Nga khỏi SWIFT sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hôm 24/2. Ý tưởng loại Nga khỏi SWIFT từng được đưa ra sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng không trở thành hiện thực.
Nga ra lệnh mở rộng tiến công "từ mọi hướng"
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ngày 26/2 rằng quân đội nước này đã được ra lệnh mở rộng tiến công từ "mọi hướng", AFP đưa tin.
"Sau khi phía Ukraine từ chối đàm phán, hôm nay tất cả đơn vị được ra lệnh mở rộng tiến công từ mọi hướng theo kế hoạch tác chiến", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov nói trong một tuyên bố.
Tòa nhà bị trúng pháo kích tại Kyiv hôm 26/2. Ảnh: AFP. |
Trước đó ít giờ, Kremlin tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tạm dừng chiến dịch tấn công tại Ukraine vào ngày 25/2 với hy vọng có thể đàm phán với Ukraine, nhưng ra lệnh cho quân đội Nga tiếp tục tấn công vì các cuộc đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không diễn ra.
Lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak tuyên bố cáo buộc của Nga là sai lệch, theo Guardian. “Phía Ukraine và Tổng thống Zelensky bác bỏ mọi điều kiện ‘không thể chấp nhận được’ từ Nga”, ông Podolyak nói.
Các khu tấn công của lính Nga tính đến hết ngày 25/2. Đồ họa: New York Times. Việt hóa: Bảo Châu. |