Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường mòn tại Mỹ được hình thành nhờ trâu rừng

Đến thập niên 1880 tại Mỹ, trâu rừng trở nên khan hiếm. Chúng biến mất và để lại di sản là những con đường mòn.

duong mon dong vat anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Hippox.

Trước khi bị tàn sát bởi súng trường và đường ray tàu lửa, trâu từng quần tụ khắp lục địa từ bờ này tới bờ kia, đi tới đâu thay đổi cảnh quan tới đó. Bò rừng Mỹ (tên gọi chính thức của loài trâu ở Mỹ) khá giống với con voi, thường đi thành một hàng duy nhất và di chuyển với những quãng đường dài. Tuy nhiên, khác với voi, đôi khi bò rừng cũng di chuyển theo bầy, dàn ra như sóng biển. Năm 1871, Đại tá R.I. Dodge bắt gặp một đàn bò rừng đơn lẻ, ông ước lượng chúng dàn rộng tới hai mươi lăm dặm và trải dài đến năm mươi dặm.

Trong hành trình bất tận tìm cỏ, nước và khoáng chất, trâu đã tạo ra những đường mòn dốc ven sườn đồi và bờ sông, sau được gọi là “bờ trâu”. Khi dừng lại để đầm mình trong nước, chúng đào những lòng đĩa đầy cát bụi và hồ cạn. Chúng ủi qua những bãi lau sậy và húc đổ những rừng cây dương lá rung. Đường mòn của chúng có cái rất mờ nhạt, có cái lại sâu đến nỗi vai chúng cọ xát vào bờ.

Đường mòn Old Buffalo mà Walker chỉ ra từng nối liền Moulton với một bãi muối khoáng bao la gọi là Bledsoe’s Lick, tại đó vào năm 1769, một thợ săn tên Isaac Bledsoe đã bắt gặp hàng nghìn con trâu. Xung quanh các bãi liếm muối khoáng trong khu vực, trâu đã kiến thiết một mạng lưới đường mòn tỏa rộng ra gợi liên tưởng tới các đại lộ Paris.

Như thường thấy với các đường mòn của trâu, đoạn đường mòn Old Buffalo này nằm trên một dải đất chia tách hai dòng sông. Trâu thường vạch đường mòn dọc theo những dải đất như vậy, vì đi lại trên đó rất dễ dàng. Như loài voi, cũng tìm được những con đường thấp nhất băng qua các rặng núi. Khi Daniel Boone mở Con đường Hoang dã, ông đã lần theo lối mòn của người Cherokee và Shawnee bản địa, còn họ thì theo vết bò rừng, đi qua Cumberland Gap (con đèo nằm giữa bang Kentucky, Tennessee và Virginia).

Nhà địa lý A. B. Hulbert viết rằng “không nghi ngờ gì nữa, trâu đã ‘mở ra’ - bằng bộ móng guốc nện lên bề mặt Trái đất - lộ trình cho nhiều con đường, kênh đào và đường sắt của chúng ta”. Tuy nhiên, câu chuyện chặt chẽ đậm tính mục đích luận này - từ đường mòn của bò rừng đến đường bộ và đường sắt đã xem nhẹ một cách trầm trọng vai trò của con người trong việc tạo ra mạng lưới này. Ở nhiều khu vực, đường mòn của trâu chạy về mọi hướng, cung cấp rất nhiều lựa chọn phong phú nhưng chẳng định hướng được gì - sổ sách lịch sử nhan nhản những câu chuyện mà trong đó người đi tiên phong bị lạc trong “mê cung” đường mòn của bầy trâu.

Tình trạng suy giảm số lượng bò rừng diễn ra sau đó thì nhiều người đã biết rồi. Khi nhu cầu đối với da bò ngày một tăng để làm áo lông và dây nịt, thợ săn da trắng đã tràn về miền Tây trên những đường ray, thường là trực tiếp bắn bò rừng từ tàu lửa đang chạy.

Hàng triệu con trâu đã bị giết vào những năm 1870, đến thập niên 1880 chúng trở nên khan hiếm. Xương của chúng chất chồng như những đống tuyết do gió vun lên, rồi bị tàu thuyền đưa về phương Đông để biến thành phân bón và sứ xương tinh xảo. Hơn một thế kỷ sau, sự vắng bóng của chúng tạo cảm giác như một bóng ma lẩn khuất. Chúng biến mất, nhưng đường mòn của chúng vẫn còn.

Robert Moor/NXB Phụ Nữ Việt Nam & Huy Hoàng Bookstore

SÁCH HAY