Ảnh minh họa đường mòn. Ảnh: Pexels. |
Cuộc săn tìm của tôi nhằm khám phá bản chất của đường mòn hóa ra nhọc nhằn hơn tôi tưởng. Đường mòn đi bộ hiện đại hay lớn tiếng thông báo về sự hiện diện của chúng bằng biểu hiện sơn màu rực rỡ hay những vết cắt trên thân cây, nhưng các lối mòn xưa hơn thường lẩn khuất hơn. Lối đi của một số cộng đồng người bản địa xưa, như người Cherokee, thường không rộng quá vài inch. Khi người châu Âu xâm chiến Bắc Mỹ, họ đã từ từ mở rộng từng phần trong mạng lưới đường mòn bản địa, trước tiên là lối đi cho ngựa, rời tới xe kéo, và sau nữa là ô tô. Giờ đây, phần lớn mạng lưới đó đã bị vùi lấp dưới những con lộ hiện đại, mặc dù vẫn có thể thấy vết tích của hệ thống đường mòn cũ nếu bạn biết phải tìm ở đâu hay bằng cách nào.
Các loại đường mòn khác còn khó nhận thấy hơn. Lối đi của một vài động vật có vú trong rừng trũng dưới những bụi cây thấp, mờ nhạt đến nỗi chỉ có người dò tìm dày dạn kinh nghiệm mới chỉ ra được. Lũ kiến hít ngửi dọc theo những lộ trình hóa học tuyệt đối vô hình (Một bí quyết để thấy chúng mà tôi học được là rắc lycopodium lên khu vực đó, chính là loại bột mà cảnh sát dùng để lấy dấu vân tay). Một vài đường mòn chìm vào lòng đất: mối và chuột dũi trụi lông khoét hầm xuyên lòng đất, đánh dấu bằng chút mùi hương pheromone để biết đường đi.
Tinh vi hơn nữa là những hệ thống thần kinh chạy chằng chịt trong bộ não con người, nhiều đến nỗi ngay cả máy tính tiên tiếng nhất thế giới cũng không vạch được hết lộ trình của chúng. Trong khi đó, công nghệ vẫn đang bận rộn đan dệt một hệ thống đường dẫn tinh tế, vùi sâu dưới chân ta hoạc giăng cao lơ lửng trên đầu, để thông tin có thể vun vút băng qua các lục địa.
Tôi học được rằng linh hồn của một đường mòn - tính chất đường mòn - không quên trong bụi và sỏi đá; nó là phi vật chất, phù du và biến hóa như không khí vậy. Bản chất kia nằm ở công năng của đường mòn: cách nó liên tục chuyển mình để phục vụ nhu cầu người sử dụng. Chúng ta thường ngợi ca người tiên phong - những tâm hồn gai góc dám dấn thân qua vùng đất chưa ai khám phá, cả nghĩa bóng và nghĩa thực - nhưng những người theo chân họ cũng đóng vai trò quan trọng chẳng kém trong việc tạo ra một con đường.
Họ cắt gọt những lối rẽ thừa thãi và dọn dẹp các chướng ngại, cải thiện đường mòn sau mỗi hành trình. Nhờ hành động của những người bộ hành này mà đường mòn, theo lời Wendell Berry, trở thành “sự thích ứng hoàn hảo, thông qua kinh nghiệm và sự quen thuộc địa hình, để dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác”. Trong những thời khắc hoang mang - khi tất cả những lối đi cũ chừng như đều rã thành bùn lầy - sẽ hữu ích chúng ta hướng mắt xuống và học hỏi từ trí khôn bị bỏ sót dưới chân mình.