Em biết đấy, đừng chờ anh nữa
Phía sân ga thưa thớt những ngọn đèn
Anh không thể, ngàn vạn lần không thể
Trở về mang theo hơi ấm thân quen.
***
Những phố dài đi không nhớ nổi tên
Những heo may ủ hương đêm theo gió về cửa sổ
Cả lũ chim chọn mái nhà mình làm tổ
Cũng sẽ bay về phương Nam
Anh cũng thế, anh chỉ là cơn gió
Nương tựa vào đời cập những bến lang thang.
***
Anh biết đôi lần em đã hoang mang
Biết ánh mắt em vẫn nhìn anh lặng lẽ
Dù biết rằng em tha thiết thế
Nhưng anh vẫn muốn ra đi
Đừng níu anh lại trong nỗi sợ chia li
Nếu có thể, hãy theo anh đi mãi
Qua những vùng ấu thơ
Qua quãng đời vụng dại
Qua cả thời người ta ngần ngại
Chẳng thể trao nhau một niềm tin.
***
Nếu cứ chết chìm trong những thói quen
Sao mình thoát được đời ao tù phẳng lặng
Và nếu một ngày mình thôi hi vọng
Anh chẳng biết đời mình rồi sẽ ra sao
Như cánh diều đứt dây lảo đảo giữa trời cao
Hay như dòng sông không thể về biển cả.
***
Đừng để nỗi buồn ám ảnh mình nhiều quá
Khi đêm nay anh chẳng trở về
Gió mùa thu vẫn gợi những say mê
Tim thao thức vẫn cần cơn ngoan ngủ
Và nhất là thôi ủ rũ
Để đừng lạc lõng giữa mênh mông
Em biết không
Tất cả những con đường em chọn
Đường đi nào rồi cũng tới rạng đông...
Lời bình
Tiêu đề của một bài thơ thường gói ghém hoặc bộc lộ tứ thơ. Có bài thơ được đặt tên trước, ấy là khi tứ thơ khởi phát và tượng hình trong một mệnh đề, một câu tương đối hoàn chỉnh, đủ sức đứng làm điểm tựa cho toàn bài. Cũng có khi, tứ thơ được khai mở, chuyển hoạt thành bài, sau đó tác giả mới gói ghém vào một mệnh đề - tiêu đề để đặt lên trước (dẫu vậy, có những ngoại lệ, bất chợt, chẳng theo quy luật, thể thức nào).
Bài thơ của Trần Việt Anh, trong cơ chế vừa nêu, tiêu đề có thể định hình từ trước, sau đó tiếp tục được triển khai thành bài. Điểm đặc biệt chính là cấu trúc vòng tròn của nó khiến cho câu cuối cùng cũng là tiêu đề. Khép lại một mạch nghĩ, nhìn lại một hành trình, từ chiêm nghiệm đến đúc kết những quy luật của đời sống và tình yêu chính là mô hình tư duy nghệ thuật trong bài Đường đi nào rồi cũng tới rạng đông.
Lắng sâu hơn vào thế giới trữ tình của bài thơ, ta nhận ra lòng bao dung là hạt nhân của ý tình. Bao dung với em, bao dung với mình và bao dung với đời. Chúng ta khác nhau, đời cũng chẳng như những gì chúng ta mong muốn, vậy nên, ép buộc mình vào những đợi chờ, thói quen, hi vọng, tự tín hay ám ảnh làm gì?
Mở lòng mà lắng nghe những say mê, những vẫy gọi từ mênh mông, có lẽ là điệu sống cần thiết để mình không rơi vào tù đọng, lạc lõng. Khép lại bài thơ, dẫu có chút bất cần (thậm chí dỗi hờn), nhưng đó là cách cần thiết để ta, em và những cuộc đời khác có thể bình thản đi qua đêm tối.