Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dùng xe máy mang trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo

Đối tượng dùng xe máy chở trạm BTS giả có kích thước nhỏ, di chuyển qua các tuyến đường đông đúc vào các khung giờ cao điểm tại TP.HCM để phát tán tin nhắn rác, lừa đảo.

Thiết bị BTS giả và các tang vật khác trong vụ việc vừa được Cục Tần số vô tuyến điện thông tin. Ảnh: Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II.

Thiết bị BTS giả và các tang vật khác trong vụ việc vừa được Cục Tần số vô tuyến điện thông tin. Ảnh: Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II.

Theo thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II thuộc Cục vừa phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an tại khu vực phía Nam và Công an TP.HCM phát hiện, xử lý vụ việc một đối tượng sử dụng thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động, giả mạo trạm của các nhà mạng di động (trạm BTS giả) để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Đây là lần thứ hai cơ quan chức năng phát hiện đối tượng vi phạm sử dụng phương tiện là xe máy để vận chuyển trạm BTS giả đi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trên địa bàn, thay vì phổ biến là dùng ô tô như giai đoạn trước. Thay đổi này được cơ quan chức năng phát hiện lần đầu hồi cuối năm ngoái và cũng trên địa bàn TP.HCM.

Với vụ việc vừa phát hiện, ngay trong đầu tháng 3/2024, khi chỉ mới triển khai hoạt động sai phạm, đối tượng L.T.T (sinh năm 1997, quê ở Bình Dương và thường trú tại TP.HCM) - người trực tiếp sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, đã bị các lực lượng cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Khai về quá trình tổ chức thực hiện hành vi sai phạm, đối tượng L.T.T thú nhận sau khi tiếp nhận trạm BTS giả do người khác gửi từ nước ngoài về, đối tượng này đã trực tiếp vận hành thiết bị để giả mạo các nhà mạng di động phát tán tin nhắn SMS trên địa bàn TP.HCM nhằm lừa đảo người dân.

Đáng chú ý, đối tượng này đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm che giấu hành vi sai phạm như: sử dụng thiết bị kích thước nhỏ giấu kín trong ba lô, đặc biệt là dùng phương tiện xe máy để thuận tiện di chuyển qua các tuyến đường có đông dân cư vào các khung giờ cao điểm...

Việc ngăn chặn hành vi sai phạm của đối tượng L.T.T vừa qua tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với loại hình phạm tội sử dụng công nghệ cao, trong đó có Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II - Cục Tần số vô tuyến điện, A06 của Bộ Công an ở phía Nam và Công an Quận Tân Bình, TP.HCM. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong năm ngoái, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để kịp thời phát hiện, xử lý 19 vụ việc các đối tượng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, lừa đảo, vi phạm pháp luật trên phạm vi cả nước.

Tháng 2/2024, qua thanh tra và kiểm tra, Bộ TT&TT đã phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện như không có giấy phép, sử dụng thiết bị vô tuyến điện không đúng quy định trong giấy phép...

Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan phát hiện vụ việc đối tượng sử dụng xe máy chở thiết bị BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo tại TP.HCM nêu trên, Bộ TT&TT trực tiếp là Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý 7 vụ vi phạm về sử dụng tần số.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Bài liên quan

https://vietnamnet.vn/dung-xe-may-mang-tram-bts-gia-len-loi-duong-dong-de-phat-tan-tin-nhan-lua-dao-2256638.html

Vân Anh/VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm