Giai đoạn từ năm 2018-2020 là khoảng thời gian không mấy tốt đẹp với gã khổng lồ Trung Quốc. Sự leo thang căng thẳng trên cả hai mặt trận kinh tế lẫn ngoại giao giữa Mỹ cùng các nước phương Tây đã khiến các công ty công nghệ phải trải qua nhiều phen sóng gió.
Các nhà đầu tư công nghệ nước ngoài không còn mấy "mặn mà" với thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, bê bối Huawei, TikTok và các rủi ro an ninh quốc gia, Trung Quốc đang nhận được nhiều ánh nhìn “ái ngại” từ các công ty công nghệ và họ đang buộc phải tính đến chuyện đa dạng hóa sản xuất để tránh phụ thuộc vào đất nước tỷ dân này.
Xung đột biên giới, Trung Quốc làm khó doanh nghiệp
Cách đó không xa, tuy chỉ có diện tích bằng 1/3 Trung Quốc, dân số Ấn Độ lại không hề kém cạnh với con số lên đến 1,35 tỷ người. Sở hữu trong tay nhiều lợi thế địa chính trị, Ấn Độ đang đứng trước nhiều cơ hội lớn chưa từng có.
Sau cuộc đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6, quan hệ Trung-Ấn có dấu hiệu đi xuống trầm trọng. Theo South China Morning Post, chính phủ Ấn Độ đã tiến hành nhiều biện pháp trả đũa nhắm vào các công ty Trung Quốc.
Trung Quốc đang tự tay đánh mất nguồn thu khổng lồ từ người láng giềng Ấn Độ. Ảnh: The Hindu. |
59 ứng dụng khác nhau của Trung Quốc đã bị “cấm cửa” tại Ấn Độ, bao gồm cả WeChat và TikTok. Liên minh Thương nhân Ấn Độ đang đại diện cho 70 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội thương mại lãnh đạo chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc #BoycottChineseProducts đã đẩy các công ty công nghệ vào tình thế khó khăn, nhiều ông lớn như Oppo, Xiaomi phải lựa chọn im lặng, hủy bỏ các sự kiện ra mắt sản phẩm.
“Làn sóng tẩy chay là báo động đỏ cho các công ty công nghệ của Trung Quốc”, ông Lin Minwang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khu vực Nam Á, Đại học Fudan cho biết.
Sự ra đi của hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc đang để lại một khoảng trống khổng lồ trong thị trường Ấn Độ, và đây sẽ là thời điểm tốt để các công ty công nghệ như Google hay Apple “nhảy” vào đầu tư.
Ấn Độ ngập tràn sóng đầu tư
Theo The Globe And Mail, nhà sản xuất và gia công công nghệ hàng đầu của Apple là Foxconn đã mạnh tay đầu tư 1 tỷ USD phục vụ mục đích mở rộng nhà máy sản xuất iPhone tại miền Nam Ấn Độ.
Chia sẻ với Reuters, một nguồn tin giấu tên cho biết Apple đã yêu cầu đối tác này chuyển dần các nhà máy sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc. Dự kiến kế hoạch sẽ thực hiện trong 3 năm tại nhà máy Sriperumbur, nơi lắp ráp iPhone XR. Trong tương lai, một số model iPhone khác sẽ được sản xuất tại cơ sở này.
Dòng smartphone của Apple mới chỉ chiếm khoảng 1% thị phần tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới. Việc đặt nhà máy tại đây sẽ giúp công ty tiết kiệm được thuế nhập khẩu, từ đó giảm giá bán, giúp sản phẩm có cơ hội chen chân và có vị trí nhất định sau khi các công ty smartphone Trung Quốc đứng trước nguy cơ phải tạm biệt thị trường “màu mỡ” như Ấn Độ.
Với giá thành nhân công rẻ hơn, việc mở rộng các cơ sở sản xuất của Apple tại Ấn Độ có thể biến quốc gia này thành trung tâm xuất khẩu iPhone.
Miếng bánh Ấn Độ đang được các công ty công nghệ Mỹ nhắm đến, và các BigTech không phải một ngoại lệ.
Không chần chừ, Google công bố quỹ đầu tư "khủng" trị giá 10 tỷ USD. Ảnh: Google. |
Hôm 13/7, CEO của Google, Sundar Pichai đã công bố quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD phục vụ phát triển các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ trong vòng 5-7 năm tới.
Sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Giám đốc điều hành của công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới tiết lộ sẽ áp dụng công nghệ nhân tạo của công ty cho các lĩnh vực như y học, giáo dục và nông nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận Internet và phát triển một công cụ tìm kiếm bằng tiếng Hindi.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ấn Độ P&S Intelligence, năm 2018, thị trường chuyển đổi kỹ thuật số Ấn Độ đã tạo ra doanh thu 24,5 tỷ USD và quy mô thị trường được dự đoán sẽ chạm mức 710 tỷ USD vào năm 2024.
Ngoài ra, các công ty công nghệ Mỹ khác như Amazon đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ấn Độ cho đến năm 2025, trong khi Facebook đang bơm 5,7 tỷ USD vào Jio Platforms, một chi nhánh viễn thông của Tập đoàn Reliance Industries Ấn Độ.
Cơ hội “vàng” này không chỉ dành riêng cho Ấn Độ, loạt sự kiện diễn ra gần đây với Trung Quốc được xem như cánh cửa cho các công ty công nghệ Mỹ thoát khỏi cái bóng “Made in China”.