Đầu tuần sau, Mark Zuckerberg sẽ cùng lãnh đạo của 3 gã khổng lồ công nghệ Apple, Google và Amazon có buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ về tình trạng độc quyền. Tuy nhiên, đó không phải mối lo lớn nhất của CEO Facebook vào lúc này.
Mối lo lớn của Mark Zuckerberg
Theo biên tập viên Casey Newton của The Verge, người đứng đầu Facebook đang thực sự lo lắng việc ứng dụng này có thể bị cấm tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Vào ngày 29/6, Ấn Độ đã đưa TikTok cùng 58 ứng dụng khác của Trung Quốc vào danh sách bị chặn, và Mark Zuckerberg lo ngại số phận tương tự với Facebook, dù ứng dụng này đến từ Mỹ.
Việc Ấn Độ cấm TikTok là một tiền lệ đáng lo ngại với Facebook. Ảnh: Tech In Asia. |
"Tôi được kể lại rằng Zuckerberg đã thừa nhận với nhân viên đây là một nước đi đáng lo ngại", Casey Newton cho biết. Chỉ bằng một quyết định, Ấn Độ đã cấm ứng dụng TikTok với hơn 200 triệu người dùng, và họ cũng có thể cấm một ứng dụng khổng lồ khác với lý do bảo đảm an ninh.
Trước khi bị cấm, Tik Tok đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh chính của Facebook tại Ấn Độ. Khi TikTok bị cấm, Facebook đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Trang mạng Instagram thuộc sở hữu của Facebook đã nhanh chóng tung ra tính năng Reels ở Ấn Độ, một bản sao của Tik Tok. Thành công của Reels vẫn chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cho đến nay nó vẫn đang thu hút giới trẻ tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, với việc chính phủ Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm TikTok và 58 ứng dụng có nguy cơ gây hại khác của Trung Quốc, Mark Zuckerberg đang cảm thấy lo lắng.
Facebook thực sự có cơ sở để tỏ ra lo lắng. Công ty được thành lập vào năm 2004 này đã liên tục vướng vào những vụ lùm xùm trong thời gian gần đây.
Vào năm 2016, dịch vụ cơ bản miễn phí trên Facebook, cụ thể là dịch vụ Internet miễn phí nhưng bị hạn chế, cũng bị cấm bởi các nhà quản lý mạng. Cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ cho biết các dịch vụ của Facebook đã bị cấm tại Ấn Độ vì nó vi phạm một số nguyên tắc trung lập.
Trước đó, Facebook đã bị chỉ trích và nhiều nhà quảng cáo dừng hợp tác vì sử dụng các phát ngôn gây thù địch để kiếm lợi. Ảnh: Financial Times. |
Mark Zuckerberg cũng bị chỉ trích nhiều hơn trong thời gian qua do những người sử dụng Facebook để truyền bá nhiều thông tin chính trị sai lệch. Facebook và WhatsApp được cho là đã lan truyền nhiều thông tin giả mạo trên toàn thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng tại Ấn Độ hiện nay, vấn đề này trở thành một vấn đề nóng.
"Facebook đang đối diện nhiều cuộc chiến từ các chính phủ với những vấn đề đều có thể liệt kê là an ninh quốc gia: can thiệp bầu cử, các chiến dịch tranh cử, phát ngôn thù địch... Zuckerberg biết rõ rằng việc cấm TikTok vì lý do an ninh cũng không khác nhiều cấm Facebook với lý do tương tự", ông Newton nhận xét thêm.
Facebook ngập trong rắc rối
Nhằm đặt câu hỏi về sự đa dạng chính trị trên Facebook, vào năm 2018, một số nhân viên của họ ở Mỹ đã tạo ra một nhóm có tên “FB'ers for Political Diversity” để thách thức văn hóa làm việc của Facebook về việc cho phép các người dùng thuộc nhiều đảng phái khác nhau bàn luận.
Mark Zuckerberg cũng đã từng phải tham dự phiên điều trần của Quốc hội Mỹ. Sau khi phiên điều trần kết thúc, hình ảnh khuôn mặt tái nhợt với nước da trắng bệch khiến ông chủ Facebook trông như một con robot đã trở thành hình ảnh được lan truyền nhiều nhất trên mạng xã hội vào thời điểm đó.
Càng ngày những rắc rối đến với Facebook càng nhiều hơn. Ảnh: Getty. |
Zuckerberg sẽ xuất hiện trước Ủy ban bảo vệ quyền riêng tư của Hạ viện Mỹ vào ngày 27/7, và thật khó dự đoán CEO Facebook sẽ nói gì trong buổi điều trần về độc quyền này.
Ấn Độ là một thị trường lớn của Facebook với hơn 260 triệu người dùng và Mark Zuckerberg sẽ cố gắng thuyết phục chính phủ nước này bằng mọi cách. Lệnh cấm đối với TikTok sẽ khiến toàn bộ nhân viên và lãnh đạo Facebook phải nỗ lực để thay đổi và nâng cấp hệ thống bảo mật của mình.
Nếu như không thể thuyết phục được chính phủ Ấn Độ, sẽ không ai biết về tương lai của Facebook sẽ đi về đâu. Điều tương tự như đối với TikTok hoàn toàn có thể xảy ra với trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này.