Phong độ kém thuyết phục của Olympic Việt Nam ở loạt trận giao hữu vừa qua khiến thầy trò HLV Miura đang phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích. Tuy vậy, HLV Phan Thanh Hùng cho rằng mọi phán xét lúc này đều vội vàng bởi dẫu sao mọi thứ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Nhà cầm quân người Đà Nẵng chia sẻ: “Khó có thể đòi hỏi một đội bóng gần như mới hoàn toàn, tập luyện cùng nhau chừng một tháng và lực lượng tổn thất lớn vì chấn thương đi vào hoạt động trơn tru ngay được”.
Từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Phan Thanh Hùng hiểu rõ những khó khăn HLV Miura đang đối mặt. |
Từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng bày tỏ sự cảm thông dành cho người đồng nghiệp ngoại quốc: “Dẫn dắt một đội tuyển quốc gia bao giờ cũng khó khăn và áp lực gấp bội so với làm việc ở cấp CLB. Người hâm mộ luôn đòi hỏi đội bóng phải đá hay, đẹp mắt và giành chiến thắng trong mọi trận đấu. Nhưng những người làm nghề như chúng tôi đôi khi có sự tính toán về chuyên môn dẫn đến mâu thuẫn với mục tiêu đó”.
Kinh nghiệm từ lần ngồi ghế lái trưởng đội tuyển Việt Nam năm 2012 giúp ông Hùng rút ra bài học: Đá giao hữu hay không hoàn toàn là cách chuẩn bị tốt nhất cho những trận đấu chính thức và ngược lại. Trước thềm AFF Cup 2012, đội tuyển Việt Nam có loạt trận chuẩn bị khá ấn tượng khi lần lượt vượt qua Malaysia và Indonesia. Nhưng khi bước vào so tài tại giải đấu khu vực, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đã bất ngờ gục ngã.
Điều đó cũng có nghĩa khi trái bóng còn chưa lăn, khó có thể nói trước kết quả của đội tuyển Olympic Việt Nam tại Vòng loại U23 châu Á. Bởi ngoài Olympic Nhật Bản có trình độ vượt trội, Olympic Malaysia là đối thủ ngang cơ với thầy trò HLV Miura.
“Thành công của một HLV trong quá khứ không phải là sự đảm bảo chắc chắn cho thành công của ông ta ở hiện tại. Nhưng sau những gì làm được cho bóng đá Việt Nam, ít nhất HLV Miura đã xây dựng được lòng tin đối với người hâm mộ. Công việc của ông cần được tôn trọng”, HLV Phan Thanh Hùng tâm sự.
HLV Miura vẫn còn rất nhiều việc phải làm cùng Olympic Việt Nam khi thời điểm khởi tranh Vòng loại U23 châu Á đã cận kề. Ảnh: Tuấn Mark |
Vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn lúc này là việc sử dụng lứa cầu thủ U19 Việt Nam ở đội tuyển Olympic. Những động thái của HLV Miura cho thấy nhà cầm quân người Nhật không lựa chọn phương án xây dựng đội bóng dựa trên nền tảng là lứa cầu thủ trẻ từng tạo ra cơn sốt suốt 2 năm qua.
Theo HLV Phan Thanh Hùng, đây là sự lựa chọn gần như bắt buộc đối với HLV Miura vì 2 lý do. Thứ nhất, tài năng của lứa cầu thủ Công Phượng đến đâu là điều cần tỉnh táo nhìn nhận ở góc độ chuyên môn. Trước VCK U19 châu Á năm 2014, đội tuyển U19 Việt Nam được kỳ vọng sẽ vượt qua vòng bảng và nằm trong tốp 4 đội hàng đầu để góp mặt ở VCK U20 thế giới. Nhưng những thất bại nặng nề trước các đối thủ tầm châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc đã chỉ ra đó là ước mơ xa vời.
Các cầu thủ trẻ khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG cũng nhận được sự quan tâm rất lớn khi bước vào thi đấu mùa giải đầu tiên tại V.League 2015. Thực tế, trình độ của họ chưa đủ để chinh chiến ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Nhà cầm quân người Đà Nẵng nhận xét: “Việc đôn ồ ạt các cầu thủ trẻ lên đá V.League là biểu hiện nóng vội, duy ý chí của HAGL. Thiếu đi điểm tựa là những cầu thủ dày dạn, họ đã dễ dàng gục ngã. Điều đó không nên lặp lại khi xây dựng đội tuyển Olympic”.
Công Phượng cùng đồng đội ở U19 Việt Nam đã không vượt qua được vòng bảng VCK U19 châu Á năm 2014. Ảnh: Tùng Lê |
Thứ hai, ngoại trừ một số cá nhân nổi bật như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, không phải cầu thủ nào của U19 Việt Nam cũng là phương án lựa chọn số 1 so với các đồng nghiệp cùng trang lứa. Ví dụ rất dễ nhận thấy là vị trí trung vệ hay một trung phong để đá cặp với Công Phượng.
“Tôi nghĩ HLV Miura đủ trình độ để nhận ra tiềm năng của lứa cầu thủ U19. Ông lắp ghép họ với các cầu thủ ở CLB khác nhằm tìm ra giải pháp khắc phục khiếm khuyết và phát huy tối đa hiệu quả lực lượng có trong tay. Nhưng sự lắp ghép này tất nhiên không thể diễn ra một cách cơ học và cần có thời gian để vận hành trơn tru. Đó là bài toán khó nhất đối với HLV Miura”, HLV Phan Thanh Hùng nhận định.
Cựu HLV đội tuyển Việt Nam nói tiếp: “Chúng ta nhắc quá nhiều về lứa cầu thủ U19 suốt thời gian dài vừa qua vô tình đã tạo thêm sức ép đối với các em. Cá nhân tôi đánh giá họ mới chỉ xuất sắc ở góc độ học nghề, còn góc độ hành nghề là phạm trù hoàn toàn khác biệt, tương tự là khoảng cách từ U19 đến U23. Ép chín các em lúc này có thể còn gây tác hại tới chính sự nghiệp và tương lai của họ. Vẫn còn cả chặng đường dài phía trước, nếu thực sự có tài năng rồi sẽ đến lúc các em tỏa sáng”.