Cựu HLV CLB Cần Thơ từng chạm trán HAGL ở vòng 7 V.League và giành chiến thắng bằng tỷ số 3-1. Đó là lần đầu tiên HLV Nguyễn Văn Sỹ trực tiếp xem Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội thi đấu.
Ông nhận xét: “Họ có tố chất và tiềm năng để trở thành cầu thủ giỏi. Nhưng lúc này, Công Phượng, Tuấn Anh chưa so sánh được với những tên tuổi trong quá khứ như Văn Quyến và cũng chưa là gì nếu đặt cạnh những cầu thủ như Thành Lương, Văn Quyết hay Văn Thắng…”.
Ở độ tuổi U23, tất cả gương mặt vừa nhắc đều đủ trình độ đảm nhiệm vai trò quan trọng ở những đội bóng họ tham gia, từ cấp CLB đến cấp đội tuyển. Giống như nhiều chuyên gia khác, HLV Nguyễn Văn Sỹ cho rằng khả năng của lứa cầu thủ Công Phượng đã bị thổi phồng quá đà.
Công Phượng mờ nhạt trong thất bại 1-3 trước Cần Thơ ở V.League. Ảnh: Nguyễn Đăng |
“Thi đấu ở cấp độ U19 và cấp độ U23 là 2 phạm trù hoàn toàn khác biệt. Nếu chỉ trông vào các cầu thủ trẻ của HAGL, tôi nghĩ đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ không thể vượt qua Vòng loại U23 châu Á”, nhà cầm quân người Nam Định chia sẻ suy nghĩ của ông.
HLV Nguyễn Văn Sỹ không phải là nhân vật đầu tiên đưa ra quan điểm này. Trước đó, HLV Vương Tiến Dũng cũng bày tỏ: “Olympic Việt Nam nếu chỉ trông vào lứa cầu thủ Công Phượng thì không đủ”, còn HLV Lê Thụy Hải thẳng thừng phát biểu: “Tiền đạo như Công Phượng tôi thấy cũng bình thường”.
Vì vậy, quan điểm xây dựng đội bóng của HLV Miura dựa trên việc kết hợp các cầu thủ nổi bật đến từ nhiều CLB khác nhau được xem là sự lựa chọn hợp lý. Nhưng mấu chốt của vấn đề sẽ tùy thuộc ở khả năng xây dựng lối chơi phù hợp của nhà cầm quân người Nhật Bản.
Theo dõi loạt trận giao hữu chuẩn bị của Olympic Việt Nam, HLV Nguyễn Văn Sỹ đánh giá: “Nếu chúng ta vẫn sử dụng nhiều đường chuyền dài như vậy sẽ rất khó để thành công”. Bằng cảm nhận của người làm nghề, ông Sỹ cho rằng HLV Miura đủ trình độ để nhận ra điều không hợp lý đó. Tuy vậy, khó khăn đối với nhà cầm quân người Nhật là dường như các cầu thủ vẫn chưa thấm nhuần triết lý bóng đá ông muốn truyền tải.
HLV Nguyễn Văn Sỹ phân tích: “HLV Miura muốn xây dựng lối chơi tốc độ, ít chạm. Điều này đã được thể hiện cả ở đội tuyển Olympic và đội tuyển Việt Nam năm 2014. Nhưng như thế không có nghĩa cứ có bóng là phải phất ngay lên trên. Đấy là một cách hiểu máy móc về chiến thuật”.
Lối chơi của Olympic Việt Nam chưa cho thấy sự hợp lý và nhuần nhuyễn. Ảnh: Tùng Lê |
Lối chơi rời rạc của Olympic Việt Nam phần nào cũng cho thấy sự non nớt của lứa cầu thủ tham dự Vòng loại U23 châu Á. Bên cạnh đó còn là nhược điểm về thể hình, thể lực đặt trong sự so sánh với lứa cầu thủ Olympic tham dự Asian Games 17 năm 2014.
Theo HLV Nguyễn Văn Sỹ, lực lượng trong tay HLV Miura lúc này thuộc diện đuối nhất kể từ khi nhà cầm quân người Nhật bắt tay vào công việc tại Việt Nam. Mặt khác, hàng loạt ca chấn thương tiếp tục bào mòn đáng kể chất lượng đội hình của tuyển Olympic.
Cựu HLV của Cần Thơ chia sẻ: “Nhiều người tiếc Xuân Trường nhưng tôi tiếc nhất trường hợp của Thanh Hiền - cầu thủ có thể hình, thể lực tốt, chơi được nhiều vị trí, lại có kinh nghiệm tham gia U23 từ năm 2013. Vào giải mới thấy hết tầm quan trọng của những cầu thủ như vậy”.
Công Phượng cùng các đồng đội ở HAGL chưa cho thấy vai trò quan trọng như tại U19 Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê |
Lối chơi chưa định hình trong khi phải gánh chịu những mất mát lớn về nhân sự, HLV Nguyễn Văn Sỹ có cái nhìn không mấy lạc quan về triển vọng của Olympic Việt Nam tại Vòng loại U23 châu Á: “Vượt qua Malaysia mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải nằm trong nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để nuôi hy vọng lọt vào Vòng chung kết. Ai cũng mong Olympic Việt Nam chiến thắng nhưng đối chiếu với tình hình bây giờ, e là khó”.