- Ông nhận xét như thế nào về quá trình chuẩn bị của đội tuyển Olympic Việt Nam cho Vòng loại U23 châu Á?
- Tôi cảm thấy thất vọng. Hôm 22/3, con trai có bật máy tính cho tôi xem trận Olympic Thái Lan – Olympic Việt Nam. Tôi xem 10 phút rồi bảo cháu đóng máy. Sát ngày vào giải mà còn đá như vậy, phải nói thật lòng là không thấy chút hy vọng nào.
- Ông có thể nói rõ hơn về những nhược điểm?
- Cả cuộc đời gắn bó với bóng đá, điều tôi luôn tâm niệm là đội bóng gồm 11 cầu thủ nhưng 11 cầu thủ chưa chắc làm nên một đội bóng. Chúng ta đang ở vế thứ hai. Sau những gì Olympic Việt Nam thể hiện, tôi thấy đó là một đội bóng không có ý tưởng, không có sự gắn kết giữa các vị trí và thậm chí không có lối chơi. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi khẳng định nếu đá như vậy, chỉ có điều thần kỳ mới giúp chúng ta góp mặt ở Vòng chung kết U23 châu Á.
- Ông đánh giá như thế nào về những cầu thủ của HAGL ở Olympic Việt Nam?
- Tôi cảm thấy đau xót khi chứng kiến Công Phượng, Tuấn Anh thi đấu. Đó không phải là họ, những cầu thủ mới đây còn khiến hàng triệu người hâm mộ phấn khích và yêu mến sau từng pha xử lý bóng.
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh từng đảm nhiệm cương vị GĐKT CLB HAGL và dành rất nhiều tâm huyết cho lứa cầu thủ Công Phượng. Ảnh: Bạch Dương |
- Nguyên nhân liệu có xuất phát từ việc Công Phượng, Tuấn Anh bị “đặt nhầm chỗ” không thưa ông?
- Về nguyên tắc, tập trung đội tuyển là phải lấy cầu thủ từ nhiều CLB khác nhau. Nhưng với một đội bóng trẻ, khi kỹ chiến thuật của nhiều cháu còn chưa hoàn thiện, tôi ngạc nhiên khi chúng ta không sử dụng nền tảng rất tốt của lứa cầu thủ U19 Việt Nam để xây dựng đội bóng.
Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian định hình lối chơi, khả năng gắn kết giữa các cầu thủ khi quá trình tập trung chỉ kéo dài khoảng một tháng. Tôi ủng hộ cách làm của U19 Việt Nam trước đây là sử dụng lứa cầu thủ trẻ của Học viện HAGL Arsenal JMG làm nòng cốt, sau đó bổ sung những vị trí còn khiếm khuyết.
Hãy thử nhìn sang Myanmar xem họ bảo vệ và sử dụng lứa cầu thủ U19 cùng trang lứa với Công Phượng, Tuấn Anh như thế nào. Đội U20 Myanmar vừa giành chiến thắng 3-0 trước Olympic Malaysia. Tôi nghi ngờ Olympic Việt Nam đủ khả năng thực hiện được điều tương tự. Vì chúng ta đang tự hủy hoại những nền tảng mà phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới xây dựng nên.
Tuấn Anh ở Olympic Việt Nam không còn là chính mình. Ảnh: Tùng Lê |
- Nhưng có ý kiến cho rằng cần tôn trọng quan điểm riêng về cách xây dựng đội bóng và lối chơi của HLV Miura. Theo ông, quá trình chuẩn bị của Olympic Việt Nam có những vấn đề gì?
- Theo tôi, HLV Miura sai ngay từ chặng khởi đầu. Thứ nhất, chúng ta thi đấu ở Malaysia có điều kiện thời tiết nắng nóng nhưng phần lớn thời gian luyện tập của đội tuyển ở Hà Nội, sau Tết vừa mưa vừa lạnh. Điều này có thể không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của HLV Miura mà ở bộ phận lên kế hoạch của VFF.
Thứ hai, các cầu thủ vừa trải qua kỳ nghỉ, muốn nhồi thể lực cũng phải có quá trình chứ không thể làm cấp tập theo kiểu duy ý chí như vậy được. Giống như cái máy phải khởi động rồi mới chuyển sang hoạt động với cường độ cao. Chấn thương hàng loạt của các cầu thủ không thể xem là chuyện ngẫu nhiên được.
Với riêng các cầu thủ HAGL, tôi tính năm vừa rồi trung bình mỗi người đá khoảng 40-50 trận cả ở U19 Việt Nam và V.League. Nhưng thể lực của Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội có bị “bể” đâu. Tại sao lại phải đặt ra vấn đề nhồi thể lực? Tập nặng khiến cầu thủ bị quá tải và thậm chí đánh mất cả cảm hứng chơi bóng.
Thứ ba, điều quan trọng nhất là anh muốn làm gì cũng phải xem mình có gì trong tay. Với một nền móng tốt như U19 Việt Nam mà anh không tận dụng, đập đi làm lại từ đầu để rồi bây giờ loay hoay không biết đâu là hướng đi cho mình.
Tất nhiên, tôi thông cảm với HLV Miura. Công việc của ông có tính chất ngắn hạn, đội tuyển sau mỗi lần tập trung, thi đấu xong là giải tán. Không thể đòi hỏi ông Miura xây dựng lối chơi giống như một HLV ăn nằm cùng cầu thủ suốt 7-8 năm như ông Graechen được. Nhưng cũng chính vì lý do này, tôi tự hỏi tại sao ông ta không tận dụng chất xám của người khác để phục vụ cho công việc của mình?
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: "Tôi thấy đau xót khi chứng kiến các cháu thi đấu tại Olympic Việt Nam". Ảnh: Tùng Lê |
- Từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc kỹ thuật của CLB HAGL, ông có chia sẻ suy nghĩ của mình với bầu Đức không?
- Công việc của anh Đức rất bận nên chúng tôi chưa có thời gian trao đổi về việc này. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết anh rất buồn. Công Phượng, Tuấn Anh hay bất cứ cầu thủ nào của Học viện HAGL Arsenal JMG được anh Đức coi như con mình. Đặt địa vị làm cha mẹ, nhìn thấy con mình như thế thử hỏi có đau xót không. Anh Đức cũng có cái khó là không thể can thiệp vào công việc của đội tuyển được. Nếu những bất cập này xảy ra ở HAGL, anh sẽ xử lý quyết liệt ngay.
- Ông có cho rằng vấn đề của lứa cầu thủ Công Phượng chỉ nằm trong phạm vi của sự khác biệt về triết lý bóng đá hay lối chơi?
- Cách làm của chúng ta đang sai lầm. Sai lầm không chỉ vì chuyện chiến thuật, lối chơi trong sân cỏ mà nguy hiểm hơn là cung cách quan liêu, bảo thủ bao năm qua không thay đổi. Hội đồng HLV Quốc gia được thành lập để làm gì? Các phòng ban chức năng của VFF sao không lên tiếng?
Chúng ta đang đi sai đường và tôi xin khẳng định một lần nữa là nếu Olympic Việt Nam cứ đá như thế này sẽ không đi đến đâu hết, chẳng để lại một điều gì cả. Hãy đặt ra câu hỏi vì sao khi U19 thua, khán giả vẫn không quay lưng với họ. Còn làm theo cách bây giờ sớm muộn cũng sẽ mất tất cả và làm hại tương lai của các cầu thủ.