Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng để bản thân bị 'dọa dẫm' bởi thành công của người khác

Áp lực đồng trang lứa có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Người trẻ thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi cảm xúc tiêu cực này. Đừng vội chán nản, vì mỗi người sẽ tỏa sáng theo cách riêng.

Nguoi toi gian anh 1

Áp lực đồng trang lứa khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái chán chường, vì nghĩ mình là kẻ thất bại. Ảnh: Vietcetera.

Năm 2011, bài diễn thuyết của một anh nông dân chân chất sống ở vùng đông bắc Thái Lan đã khiến hàng triệu người trên thế giới phải lắng nghe và nhìn lại cuộc sống của mình. Mặc dù câu cú đầy lỗi ngữ pháp, nhưng vốn tiếng Anh của anh cứ tuôn trào tự nhiên như hơi thở khiến người nghe thấm đến từng lời. “Hiện nay, có biết bao nhiêu người có bằng cử nhân? … Có biết bao nhiêu người thông minh tài giỏi, vậy mà cuộc sống của chúng ta càng ngày càng vất vả. Chúng ta vất vả như vậy là vì ai? Chúng ta làm việc vất vả như vậy là vì ai?…

Tôi chỉ muốn được bình thường, muốn ngang hàng với động vật. Một con chim mất một hai ngày để làm tổ. Một con chuột mất một đêm để đào hang. Nhưng con người có trí khôn như chúng ta lại mất đến 30 năm mới có được một căn nhà. Có nhiều người còn không thể có được một căn nhà trong đời.”

Những câu hỏi về cuộc đời đã thức tỉnh Jon Jandai, khiến anh vứt bỏ tất cả thế giới xô bồ lại sau lưng để được trở lại làm “người bình thường”. “Bình thường” đối với anh là phải nghĩ được: "Cuộc sống rất đơn giản! Sao chúng ta lại làm cho nó phức tạp lên như vậy?".

Anh khăn gói rời bỏ Bangkok để trở về vùng quê nghèo, chấm dứt bảy năm hùng hục học những thứ mình không cần, làm những việc mình không thích chỉ đủ để có một chỗ ngả lưng trong khu tập thể chật chội và những bữa cơm đạm bạc qua ngày.

Nguoi toi gian anh 2

Cuốn sách Người tối giản của tác giả Phạm Quỳnh Giang. Ảnh: P.Q.G.

Sau khi tự đưa bản thân trở lại vạch xuất phát, Jon xác định lại bốn nhu cầu cơ bản cho sinh hoạt của mình. Đó là cơm để ăn, áo quần để mặc, nhà để ở và thuốc thang khi đau ốm. Đối với cái ăn, một năm anh chỉ cần bỏ ra hai tháng, mỗi ngày bỏ ra hai tiếng là đã trồng được đủ lúa thóc và rau cỏ cho sáu miệng ăn trong gia đình, thậm chí còn thừa đem ra chợ bán.

Đối với cái mặc, anh nhận thấy việc chạy theo thời trang là vô nghĩa nên chẳng bao giờ phải mua thêm bất cứ một bộ quần áo nào nữa. Để có một mái nhà che nắng mưa, anh tự tay xây cho mình một căn nhà dùng kỹ thuật đắp đất mà anh từng tình cờ được học. Còn đối với sức khỏe, anh xem bệnh tật là dấu hiệu cho thấy cần phải điều chỉnh lại lối sinh hoạt của mình và tự tìm tòi những bài thuốc dân gian từ những thứ xung quanh để chữa bệnh.

Jon cảm thấy hạnh phúc hơn lúc nào hết, tự do hơn lúc nào hết. Anh mở một nông trại chuyên trồng rau sạch và bảo vệ hạt giống, kết hợp với những khóa huấn luyện ngắn hạn về phương pháp xây nhà vách đất, cách nấu ăn và các kỹ năng cần thiết khác để sống tự cấp, tự túc. Anh dạy người ta cách để cảm nhận được rằng “Cuộc sống rất dễ dàng”, bởi đó là điều cơ bản mà con người cần học nhất trong cuộc đời. Anh đi diễn thuyết khắp nơi, và xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình ở Thái Lan.

Hãy quay lại với thời điểm Jon quyết định đặt mình ngang hàng với động vật để được suy nghĩ một cách giản đơn và sống một cách giản đơn. Đó là khoảnh khắc của sự buông bỏ. Bạn sẽ cảm thấy câu chuyện của anh không liên quan đến mình nếu cứng nhắc cho rằng buông bỏ tức là phải bỏ việc, bỏ chốn thành thị về quê cày cuốc, nuôi heo. Buông bỏ ở đây đơn giản là một sự cởi trói cho tư tưởng khỏi những bó buộc về vật chất hay tình cảm trong cuộc đời.

Riêng tôi, tôi thích gọi tư duy mới của anh là tư duy tối giản đối với vật chất, và sự buông bỏ của anh là hành động trở về số 0, trở về với con người nguyên bản của mình. Nếu bạn cũng vô tình hay cố ý đưa được tư duy của bản thân về cảnh giới số 0 nơi tư tưởng được giải phóng khỏi vật chất và định kiến xã hội, sẽ có hai trường hợp xảy ra.

Nếu tự tách mình khỏi thế giới để sống với nhang đèn, mỏ gõ hay tràng hạt thì bạn trở thành người xuất gia tu hành. Còn nếu bạn vẫn đặt mình vào giữa đời thường, vẫn kiếm tiền, vẫn đi bar nhảy nhót, vẫn thịt chó mắm tôm thì bạn đã có tư duy của Người Tối Giản.

Chúng ta không nhất thiết phải bắt đầu lại giống Jon, làm ruộng, ở nhà tranh vách đất, mặc quần áo cũ… Số 0 của chúng ta không nhất thiết cứ phải có heo và gà. Vì mỗi người chúng ta đều khác nhau ở đam mê, sở trường và điều kiện thực tế. Có điều chắc chắn rằng, khi tư duy ở số 0, chúng ta sẽ tự “đánh hơi” được xuất phát điểm mới phù hợp nhất với mình là gì giữa cuộc đời đầy bộn bề này.

Phạm Quỳnh Giang/ Thái Hà Books

SÁCH HAY