Hãy học cách cân bằng cuộc sống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đó mới là hạnh phúc thực sự. Ảnh: Tnex. |
Có một câu chuyện về hai người đàn ông làm nghề đánh cá ở một làng chài bên bờ biển, một người “cần cù” làm quần quật cả ngày lẫn đêm và một người “lười biếng”, chỉ làm vừa đủ rồi dành thời gian còn lại thư giãn và chơi đùa bên vợ con. Chuyện có nhiều phiên bản khác nhau nhưng tôi xin được kể lại theo cách của mình.
Một ngày nọ, thấy anh “Lười Biếng” đang nằm trên bãi biển phơi nắng, anh “Cần Cù” chỉ trích:
- Tạo sao anh không lo đi đánh cá?
- Tôi kiếm đủ số cá cho hôm nay rồi. Tôi muốn dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi thư giãn. Còn anh bận rộn cả ngày cả đêm đánh cá như vậy để làm gì?
- Tôi muốn đánh được nhiều cá, bán lấy tiền để tích góp mua thuyền.
- Mua thuyền để làm gì?
- Tôi sẽ đánh được nhiều cá hơn, kiếm được nhiều tiền để mua chiếc thuyền lớn hơn nữa.
- Có thuyền lớn hơn nữa để làm gì?
- Tôi sẽ mua thuyền lớn hơn nữa! Khi có nhiều tiền rồi tôi sẽ nghỉ ngơi không đi đánh bắt cá nữa, mỗi ngày nằm dài trên bãi biển phơi nắng, nghỉ ngơi, nghe tiếng sóng biển.
Anh “Cần Cù” vừa nghĩ về tương lai tươi sáng vừa tự đắc trả lời. Lúc này anh “Lười Biếng” mới nói: “Anh xem, tôi hiện tại mỗi ngày chẳng phải vẫn nằm phơi nắng và nghe tiếng sóng biển đó sao!”
Trong câu chuyện trên, rõ ràng cả hai người ngư dân đều theo đuổi một giá trị trong cuộc sống là “tận hưởng cuộc sống”. Anh “Lười Biếng” vẫn đang hạnh phúc với cuộc sống mỗi ngày vì giá trị mình theo đuổi đã được đáp ứng.
Trong khi đó, anh “Cần Cù” cảm thấy hạnh phúc lâng lâng khi hình dung đến cảnh mình “tận hưởng cuộc sống”, dù việc đó chưa xảy ra. Anh đang chấp nhận hy sinh thời gian hiện tại và hy vọng cái ngày tươi sáng kia sẽ đến, bất chấp hiện thực rằng không cần có nhiều cá, nhiều tiền mới làm được điều ấy.
Trên đây là một ví dụ điển hình về sự ngộ nhận đối với tiền bạc. Nếu ngay từ đầu, thay vì tập trung vào tiền, anh “Cần Cù” tập trung vào thứ mình thật sự mong muốn trong cuộc đời thì những hành động mỗi ngày của anh ta đã khác đi. Rất tiếc, chuyện này dường như xảy ra rất phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay.
Chẳng hạn, phụ huynh nào cũng mong muốn con cái có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. Nhiều người cho rằng để có được điều đó, con cái họ phải được ăn ngon mặc đẹp, học ở trường tốt và có vài mảnh đất làm của hồi môn.
Vì khao khát đó nên họ hy sinh cả đời, làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm tiền lo cho con. Do phải gồng mình kiếm tiền như vậy, họ thường ở trong trạng thái căng thẳng, trong khi thời gian cho con cái cũng không còn.
Bạn có nhận ra một điều, nhóm phụ huynh kể trên cũng giống anh đánh cá chăm chỉ đi chệch mục tiêu ban đầu, trong trường hợp này là “để con cái có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt”?
Làm sao chúng hạnh phúc thành đạt được khi mỗi ngày cha mẹ dành cho mình một vài phút qua loa đại khái, dễ dàng cáu bẳn, luôn luôn cằn nhằn? Làm sao chúng hạnh phúc được khi thấy ba mẹ đang không hạnh phúc? Làm sao chúng thành đạt khi được bảo bọc từ bé, để chỉ cần một va vấp nhỏ trong cuộc đời cũng có thể bị đánh gục?
Hình như, công cuộc kiếm tiền đã làm người ta quá bận bịu để nghĩ thấu đến tận cùng thứ mà họ thật sự mong muốn trong cuộc đời.