Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học cách yêu những vết sẹo trên cơ thể bạn

Những vết sẹo chính là kỷ niệm mà cuộc đời để lại. Chúng chứng minh cho việc bạn đã vượt qua thử thách để bắt đầu một hành trình mới, sống tha thiết và yêu đời hơn.

Nguoi toi gian anh 1

Nhiều bà mẹ cảm thấy tự ti vì vết sẹo mổ sau khi đón con yêu chào đời. Ảnh: Dermatix.

[...]

Lần đầu đi nhà tắm hơi (jjimjibang) ở Hàn Quốc, mẹ tôi nhất quyết chỉ ở khu sinh hoạt chung, nơi được mặc đồng phục, chứ không bước vào khu tắm hơi, nơi buộc phải trút bỏ toàn bộ quần áo. Lý do mẹ tôi đưa ra là vì: "Người mẹ đầy thẹo thế này, người ta cười chết!".

Tôi phải ra sức thuyết phục mẹ rằng trong kia không phải là một cuộc trình diễn thời trang, và chẳng ai nhìn ai, nhất là chẳng ai đi soi những cái thẹo chằng chịt của mẹ sau những lần mổ cắt mật, cắt tử cung, buồng trứng, đại tràng. Mẹ tôi không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Nỗi e ngại về việc phơi bày cơ thể trước người khác cũng là mối e ngại chung của nhiều người khi tham gia khỏa thân tập thể lần đầu.

Họ nghĩ mình chưa đủ đẹp để ở truồng trước mặt người khác. Họ sợ bị người khác đánh giá về các khiếm khuyết trên cơ thể của mình. Có lẽ mẹ tôi sẽ còn sốc hơn nữa khi đến nhà tắm hơi của Nhật hay Đức, nơi cộng đồng khỏa thân không chỉ là những người cùng một giới, hay trông bề ngoài giống như cùng một giới.

Vì sao tôi tốn giấy mực cho chuyện ở truồng như vậy? Bởi theo tôi, quần áo là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho các lớp tư tưởng mà xã hội đã khoác lên tâm trí chúng ta. Khi chúng ta đã quen mắt với quần áo, việc không mặc quần áo trở thành kỳ quặc.

Trong khi vốn dĩ con người sinh ra là sinh vật không mảnh vải che thân. Biết đâu trong tương lai, Trái đất tiếp tục nóng lên, con người lăng xê mốt ở truồng, lúc này chính những người mặc quần áo lại bị xem là dị hợm.

Cái gì do con người tạo ra thì không phải là chân lý, kể cả áo quần. Theo tôi, lễ hội khỏa thân, phong trào khỏa thân đi xe đạp, khỏa thân làm việc trong một số văn phòng công ty và các hình thức khỏa thân tập thể khác đang manh mún nở rộ bên trời Tây chẳng qua là nỗ lực để kéo con người trở về với nguyên bản của mình mà không sợ ai dè bỉu. Và có thể lắm chứ, khi xã hội càng trở nên văn minh, người ta sẽ càng hướng con người đến trạng thái của một sinh linh trần trụi như thế.

Tất nhiên, chỉ khi con người ta được sự đồng thuận của cả một tập thể lớn thì họ mới dám được sống như tổ tiên mình vốn vẫn vậy. Nếu không, họ cũng chỉ là những người lạc loài trong xã hội như Remedios. Bất chấp họ nghĩ gì, người ta chỉ nhìn cách biểu hiện bên ngoài để gán mác “biến thái”, “điên nặng” hay “thiểu năng”.

Tôi ủng hộ Remedios [1] bởi đối với tôi, khỏa thân với một tinh thần của con người tự do là một dạng khỏa thân rất có “văn hóa”. Nó cũng chẳng khác gì văn hóa ở truồng của cả một tập thể như tại các lễ hội hay các phòng tắm hơi. Ở đó, không ai săm soi ai. Chỉ có sự giải phóng cơ thể được đặt lên trên tất cả.

Điều tôi muốn nhắn gửi qua những câu chuyện trên là hãy tối giản hóa cách nghĩ về cơ thể của mình. Đừng quá tự ti về những khiếm khuyết, cũng đừng quá tự kiêu về những ưu điểm trên cơ thể. Khi ta xem cơ thể là một món quà tuyệt vời của tạo hóa, thì dẫu trông nó như thế nào, đó cũng là một cơ thể rất đẹp.

Có thể nói, cơ thể của bạn tự thân nó đã là một dạng tối giản. Khi bạn tập trung vào cách Remedios và các tu sĩ Kỳ Na nghĩ chứ không phải cách họ sống, khi bạn đồng cảm và áp dụng được cách nhìn nhận của họ về cơ thể con người, khi đó bạn đang ở đỉnh cao của sự tối giản về hình thức. Để làm gì? Tất nhiên, không phải để trần truồng đi trên phố cho trúng gió chơi. Mà để cảm nhận sự hòa quyện của cơ thể mình với vũ trụ này.

Tôi không chắc là bạn có ngộ ra được ngay hay không, nhưng hy vọng bạn sẽ bớt phản ứng thái quá trước mọi việc liên quan đến cơ thể của mình và của người khác. Mà nếu đỉnh cao của sự tối giản về hình thức này bạn chưa chạm đến được thì cũng không sao. Dưới đây còn những cái đỉnh thấp thấp khác cho bạn chinh phục.

[1] Nhân vật trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của nhà văn Gabriel García Márquez.

Phạm Quỳnh Giang/ Thái Hà Books

SÁCH HAY