Trường học dùng bài kiểm tra để khuyến khích học tập. Các công ty áp dụng chính sách thưởng phạt dạng “cây gậy và củ cà rốt” để tạo động lực (và áp lực) lên nhân viên. Còn trong các gia đình, những bậc phụ huynh dùng phần thưởng và lời đe dọa để răn đe con cái…
Chỉ cần để ý một chút là ta sẽ thấy xã hội hiện đại đang ưa chuộng sự kiểm soát như thế nào. Nhưng liệu phương cách phổ biến này có thực sự hiệu quả để thúc đẩy hành vi - nếu xét về lâu dài?
Trong 25 năm, giáo sư tâm lý học Edward L. Deci và các cộng sự đã nghiên cứu về động lực con người - về điều gì thúc đẩy con người sâu sắc nhất và điều gì là phản tác dụng. Cuốn sách Sao ta làm điều ta làm của ông mổ xẻ cái giá của sự kiểm soát bên ngoài (hay động lực ngoại tại); đồng thời chỉ ra một hướng đi nhân văn, hiệu quả và chứa nhiều hy vọng hơn.
Sách Sao ta làm điều ta làm. Ảnh: Huỳnh Quỳnh. |
Cái giá của sự kiểm soát
Mở đầu cuốn sách, Edward L. Deci cho rằng các hình thức kiểm soát ngoại tại - dù có thể trông đầy hấp dẫn và dễ chịu (như tiền thưởng hay một lời khen khéo léo) - đều có khả năng khiến các cá nhân dễ mất đi niềm hứng thú, sự say mê với những nhiệm vụ họ đang thực hiện; làm xói mòn cảm giác của họ về khả năng tự chủ của bản thân.
Ông viết “Những quyền lực kia - tiếng chuông đồng hồ báo thức, áp lực đưa bọn trẻ đến trường đúng giờ, phần thưởng, các kỳ hạn, những sự đe dọa, đánh giá - đều có thể khiến con người cảm thấy như bị thúc sau lưng và bản thân mình thì giống như những con tốt”.
Chẳng hạn, bất cứ người trưởng thành nào đều có thể hiểu những phần thưởng bằng tiền dễ biến những “cuộc chơi” thành công việc; biến mối quan hệ giữa ta với các niềm đam mê trở nên gượng ép, “chỉ còn mang tính công cụ” như thế nào.
Một cái giá sâu sắc và nghiêm trọng hơn đối với những ai đang tuân thủ sự kiểm soát, là họ trở nên “tha hóa”, theo nghĩa rằng họ phải từ bỏ phần nào con người chân thật, bản chất tự nhiên của mình, và biến thành “cái khác” trong quá trình làm thứ họ nghĩ họ nên làm.
Hãy nhìn vào trường học và những học sinh đang chăm chỉ thực hiện các nhiệm vụ được người lớn giao phó. Bao nhiêu trong số chúng thực sự học tập vì sự yêu thích cá nhân? Còn bao nhiêu thì chỉ học vì sợ hãi hoặc mong muốn sự công nhận từ người khác, và trong quá trình đó trở nên bất hòa sâu sắc với chính mình? “Chúng chỉ chú tâm vào việc cố làm hài lòng người khác - hơn là tìm ra những gì đúng đắn cho bản thân”, Edward L. Deci viết.
Còn những cái giá mà những người áp đặt sự kiểm soát lên người khác (như cha mẹ, giáo viên, quản lý, người thực hiện chính sách…) phải trả thì sao? Theo Edward L. Deci, con người khá sáng tạo trong việc lách luật, nên những phần thưởng và hình phạt có thể thúc đẩy các cá nhân thực hiện các biện pháp “đi ngang về tắt” chỉ để đạt được phần thưởng.
Như người học sinh thường dễ quên hết mọi kiến thức sau khi hoàn thành bài kiểm tra; hay người nhân viên dễ lách luật để “làm đẹp” báo cáo công việc trước người sếp ưa chuộng thưởng, phạt…
Và như nhiều nghiên cứu thực nghiệm mà Edward L. Deci dẫn ra, sự kiểm soát bên ngoài ảnh hưởng bất lợi cho bất cứ công việc nào đòi hỏi sự sáng tạo, nhận biết sâu sắc hay khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt. “Một tin xấu cho những ai tập trung vào lợi nhuận”, theo Edward L. Deci.
Để nhân viên có động lực tốt nhất, thay vì thúc sau lưng, gây áp lực, hay kiểm soát, bạn hãy khơi gợi động lực nội tại xuất phát từ bên trong họ. Nguồn: cloudoffice. |
Phép màu của động lực nội tại
Trong Sao ta làm điều ta làm, Edward L. Deci dùng bốn từ để thách thức những niềm tin truyền thống về sự kiểm soát: Động lực nội tại. Ông cho rằng động lực tốt nhất phải là thứ động lực được xuất phát từ bên trong một người; và chính sự tự thúc đẩy này (thay vì động lực thúc đẩy từ bên ngoài) mới là trung tâm của sáng tạo, trách nhiệm, hành vi lành mạnh và thay đổi lâu dài.
Đến đây, chúng ta cần tin tưởng vào một giả định: Con người không phải là những cỗ máy chờ được lập trình hay những kẻ man dã chờ được thuần hóa, mà là những sinh vật luôn khám phá, phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. “Không phải vì họ bị ép buộc làm vậy, mà vì điều đó nằm trong bản chất của họ”, Deci cho hay.
Sự công nhận này về con người (được phát triển bởi nhà tâm lý học trẻ em Jean Piaget và một vài nhà tâm lý học tiên phong khác), là điều mà Deci và các đồng sự đặt cược vào, và là khởi điểm cho hệ thống lý thuyết của ông xoay quanh động lực con người.
Giả định trên có nghĩa rằng ta sẽ không lo nhân viên lười biếng nếu họ được thoải mái làm việc; hay không phải lo trẻ con sẽ trở nên hư hỏng nếu ta để chúng được là chính mình. “Sự phát triển không phải là thứ gì đó mà thế giới xã hội cần thực hiện cho một đứa trẻ”, Deci nói, “hơn thế, nó là thứ đứa trẻ chủ động làm, với sự hỗ trợ và nuôi dưỡng của thế giới xã hội”.
Xét trên phương diện thực nghiệm, một nghiên cứu của Deci trên một nhóm sinh viên chỉ ra rằng các kiến thức được lưu giữ bền bỉ hơn khi không có bài kiểm tra. Hoặc một nghiên cứu khác về vẽ tranh cho thấy rằng những bức tranh sáng tạo nhất đến từ những đứa trẻ không bị kiểm soát về kết quả.
Trong cuốn sách, tác giả cũng dành nhiều thời lượng làm rõ rằng việc được tự do, là chính mình, không bị kiểm soát… thì không đi kèm với sự vị kỷ, đơn độc, hay vô trách nhiệm. Theo lý giải của ông, nếu một người tự chủ và được là chính mình theo nghĩa đích thực, thì họ cũng trở nên gắn kết, thân thuộc hơn với môi trường xung quanh; và các hành vi của họ cũng có trách nhiệm và tốt đẹp hơn.
Cũng trong cuốn sách, Edward L. Deci đã nỗ lực làm sáng tỏ nhiều câu hỏi phức tạp xoay quanh việc khơi gợi động lực nội tại, như: Làm sao ủng hộ sự tự chủ mà không dễ dãi? Làm sao thể đặt ra những giới hạn nhất định trong trường học, công sở… mà không khiến người khác cảm thấy bất mãn?
“Ủng hộ sự tự chủ có thể khó khăn hơn là ép buộc, vì nó cần nhiều nỗ lực và kỹ năng”, Deci viết. Chẳng hạn, để khơi gợi động lực nội tại, những nhà quản lý, phụ huynh, giáo viên, bác sĩ… cần phải có “một sự trung thực đến tột cùng”, những kỹ năng giao tiếp tinh tế và cần xem nhân viên, con cái, học sinh, bệnh nhân… như các cá nhân bình đẳng thay vì những kẻ dưới quyền.
Có thể nói, Sao ta làm điều ta làm là cuốn sách cần thiết cho những ai mong muốn khuyến khích hành vi tốt đẹp nơi người khác. Cuốn sách này cũng hữu ích cho mọi cá nhân, những ai muốn “định vị và neo chặt cái tôi đích thực của mình giữa những đợt thủy triều đầy cám dỗ và có tính cưỡng ép của văn hóa hiện đại”.