Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng chỉ tìm ở đạo Phật những an ủi và che chở thần bí

Muốn đạo Phật hiển lộ với hết sắc thái cao đẹp, phải tìm cách áp dụng cho được đạo Phật một cách sung mãn trong sự sống. Tức là làm sao cho quần chúng biết tìm ở đạo Phật sự thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt trí tuệ và tâm linh cần cho sự phát triển toàn vẹn con người chứ không phải chỉ những an ủi và che chở có tính cách thần bí mà thôi.

Trừ những địa phương mà công cuộc chấn hưng Phật giáo đã tạo được tác dụng sinh hoạt theo chính pháp trên các phương diện giáo dục, xã hội và tâm linh, ở nhiều nơi, nhất là ở thôn quê, mỗi khi nói đến đạo Phật, một số trong chúng ta thường liên tưởng tới những ngôi chùa với lối thờ phụng phức tạp và tới những ông thầy quanh năm gõ mõ tụng kinh và đi làm đám ma đám chay trong làng trong xóm. Từ gần một trăm năm nay hình bóng của đạo Phật là như thế đối với người trí thức Việt Nam.

Cố nhiên có một số người có liên lạc với các tự viện đứng đắn, tiếp xúc được với một ít các vị Cao Tăng và hiểu được rằng đạo Phật là một sinh hoạt tâm linh rất cao siêu, nhưng số người ấy thực là quá ít. Hình ảnh của đạo Phật Lý - Trần chỉ được thấy thấp thoáng mờ ảo qua một vài trang lịch sử, một ít tác phẩm và thơ văn; những tài liệu này cũng ít có ai chú ý tới.

Chúng ta chỉ thấy trước mắt một số sinh hoạt tín ngưỡng rất bình dân, rất phức tạp được mệnh danh là đạo Phật ở Việt Nam. Thực ra thì đấy chính là hình bóng đích thực của đạo Phật bình dân Việt Nam - và hình bóng ấy mang trong nó tình trạng lạc hậu của ta về phương diện kỹ thuật, khoa học và xã hội.

Trong kinh Pháp Hoa, giáo lý của Phật được ví với một trận mưa rào thấm nhuần rừng núi đồng ruộng. Tùy theo nhu cầu, các cây lớn cây bé hút lấy nước mát của trận mưa.

Nhu cầu tín ngưỡng tầm thường của xã hội bình dân khiến cho xã hội bình dân chỉ tiếp nhận được một phần rất ít giáo lý của đạo Phật, và vì vậy đạo Phật bình dân Việt Nam tiêu biểu một cách nghèo nàn và vô cùng thiếu sót giá trị cao đẹp của Phật học.

Một bà mẹ mang đứa con tám tháng đến chùa "bán khoán" cho ông thầy và cho Phật, bà mẹ ấy tin tưởng rằng khi đứa bé đã là con của Phật rồi thì ma quỷ không còn dám động tới tính mạng nó nữa. Nhà chùa cho đứa bé mặc áo có in những chữ Phạn (như là bùa chú) để trấn áp các loại ma quỷ.

Khi mà những phương tiện y tế, vệ sinh đang còn thiếu thốn, không bảo đảm được cho sinh mạng đứa bé thì cố nhiên bà mẹ phải tìm tới những bảo đảm của tín ngưỡng. Đạo Phật là đạo từ bi, tại sao sau một lễ cầu an ông thầy lại không cho đứa bé mặc một chiếc áo của Phật để bà mẹ vững lòng tin hơn nơi uy lực huyền diệu của Ngài?

Mà thử hỏi các ông thầy chùa làng có cần phải có một trình độ trí thức cao hay không và một khả năng hướng dẫn đời sống tâm linh sâu sắc hay không, khi mà những nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng thì giản dị như thế? Một vị Tăng sĩ bác học, chỉ biết dạy tham thiền và giảng kinh Pháp Hoa làm sao có thể sống trong một ngôi chùa bao quanh bởi lớp quần chúng chỉ đòi hỏi những công việc ma chay trừ tà và trị bệnh như thế?

Cho nên muốn đạo Phật được hiển lộ với hết sắc thái cao đẹp của nó, ta phải tìm cách áp dụng cho được đạo Phật một cách sung mãn trong sự sống, và như thế tức là phải làm sao cho quần chúng biết tìm ở đạo Phật sự thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt trí tuệ và tâm linh cần cho sự phát triển toàn vẹn con người của họ chứ không phải chỉ biết tìm ở đạo Phật những an ủi và che chở có tính cách thần bí mà thôi.

Chú thích: 'Những quan điểm, nhận định của tác giả về "Người trí thức và đạo Phật" trong bài viết này đặt trong bối cảnh, xã hội miền Nam - Việt Nam những năm 60 của thế kỷ XX (BT).

Thích Nhất Hạnh/Thaihabooks/NXB Văn hóa dân tộc

SÁCH HAY