Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng sĩ đừng bưng bít trong tháp ngà

Tiếp xúc thường xuyên với thực tại đau khổ người Phật tử vừa nuôi dưỡng được chí nguyện độ sinh, vừa tránh khỏi sự xâm lấn thầm lén của si mê và dục vọng.

Tang si anh 1

Ảnh: Pixabay.

Niềm thao thức giải thoát phải sống mãi trong tâm hồn để người Tăng sĩ không quên bốn phận mình. Trong lịch sử Tăng đoàn Phật giáo, ở những triều đại nào mà chư Tăng được sống trong một chế độ cúng dường sung túc nhất là Tăng đoàn bị suy đồi nhất, các Cao Tăng ít xuất hiện nhất. Điều đó được chứng minh ở Ẫn Độ, ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, ở Việt Nam.

Bởi vì một cuộc sống sung túc quá, một cuộc sống được chiều đãi quá không thể không đánh mất niềm thao thức quý báu của con người xuất gia, và trong trường hợp đó, người ta đã quên mất nhiệm vụ cao cả của mình, lý do vì sự liên lạc với đệ nhất khổ đế đã bị cắt đứt.

Cho nên người Tăng sĩ của thế kỷ chúng ta phải mở rộng nhận thức, đừng tự bưng bít trong tháp ngà chủ quan, phải tiếp xúc thường xuyên với thực tại đau khổ của cuộc đời. Như thế người Tăng sĩ sẽ không bị chết đuối trong một cuộc sống dễ dãi, không tự mãn trong một chế độ cúng dường thiếu ý thức, không lâm vào tình trạng "một đời luống qua, công quả không do đâu mà thành tựu được" như tổ Quy Sơn đã than vãn.

Tiếp xúc thường xuyên với thực tại đau khổ người Phật tử vừa nuôi dưỡng được chí nguyện độ sinh (bởi vì chí nguyện độ sinh căn cứ trên đệ nhất đế) mà cũng vừa tránh khỏi sự xâm lấn thầm lén của si mê và dục vọng. Như vậy không những ta nắm được đệ nhất đế, mà ta còn nắm luôn được cả đệ nhị đế nữa.

Chừng nào si vọng hoạt động trong ta mà ta không hay không biết thì chừng đó ta không phải là người Phật tử nữa. Ta là ma quân đội lốt người Phật tử. Ta thất bại vì không phân biệt được bạn với thù, ta chiến đấu cho mặt trận giải thoát nhưng binh lính trong quân đội ta lại là si mê và dục vọng. Mặt trận sẽ tan vỡ, và ta thất bại.

Người Phật tử tại gia cũng cần có ý thức thâm thiết về đệ nhất khổ đế để có đủ sáng suốt mà định đoạt giá trị của những hành vi luân lý và đạo đức. Hãy để cho lòng thương làm động lực cho mọi hoạt động Phật sự. Hãy biến mình thành người bạn giản dị, khiêm nhường và thân thiết của lớp người đau khổ.

Đừng bao giờ quên rằng khuynh hướng của đạo Phật là đi gần, đi tới với quần chúng khổ đau để nâng đỡ và giải phóng cho họ. Đừng ngồi yên tại chỗ chờ họ đến với mình.

Hãy đòi hỏi nơi chư Tăng cuộc sống thao thức của những con người đang luôn luôn hướng về lý tưởng Phật giáo, bỏ quên đi mọi danh lợi tầm thường. Hãy tôn trọng chư Tăng như những bậc khất sĩ thanh cao, đừng xem họ như những bậc nhà giàu có quyền lực cần phải nịnh bợ. Hãy tự mình sống nếp sống Phật tử để cho bóng hình mình hiển hiện ở đâu thì niềm tin vui hiển hiện ở đó. Nên nhận định: đạo Phật là đạo của quần chúng khổ đau, không phải của riêng của một lớp người trưởng giả.

Thích Nhất Hạnh/Thaihabooks/NXB Văn hóa dân tộc

Bình luận

SÁCH HAY