Một câu hỏi tự nhiên đến với chúng ta. Làm sao trong điều kiện sinh hoạt kinh tế thấp kém như thế, làm sao trong sinh hoạt tri thức thiếu thốn như thế người dân có thể có được những nhu cầu về sự phát triển con người của họ về phương diện sinh hoạt tâm linh?
Ảnh: Tenzing Kalsang. |
Bận rộn quá về vấn đề mưu sinh làm sao họ có thể nghĩ đến chuyện học hỏi giáo lý đạo Phật? Kiến thức thiếu thốn như thế làm sao họ nhận ra rằng sở dĩ con họ bị bệnh không phải là vì tà vì quỷ, mà tại vì họ thiếu những phương pháp trị liệu và bảo vệ sinh mạng cho đứa bé?
Họ đang cần một ít trấn tĩnh và an ủi thì họ nhận một ít trấn tĩnh và an ủi ở đạo Phật, thế thôi. Đạo Phật phải chỉ cho họ thấy rằng ngoài những nhu cầu trấn tĩnh và trị liệu ấy, họ còn phải tìm ở đạo Phật phương tiện để phát triển sinh hoạt tâm linh, giáo dục, kinh tế và xã hội nữa. Nhưng ở Việt Nam, đạo Phật chưa làm tốt vấn đề này. Vì sao?
Khi người trí thức quay lưng với Phật học
Lý do thứ nhất là người trí thức Việt Nam đã bỏ Phật học để theo đòi cái học khoa cử. Ai cũng biết ở các thời đại Lý và Trần, đạo Phật đã đóng vai trò kiến quốc trên các phương diện văn học, đạo đức, nghệ thuật, giáo dục, ngoại giao và xã hội. Đạo Phật trong các thời đại ấy đã thúc đẩy sự tiến lên của xã hội Việt Nam và công trình kia chứng thực sinh lực và khả năng của Phật giáo.
Sử chép rằng ở triều Lý giới trí thức bác học nhất trong nước là các nhà Phật học và các thiền sư. Cái học của Phật học lúc đó là cái học để hiểu và để xây dựng, nó không đem lại tước vị cho ai cả. Các thiền sư thường được vua vời vào cung giảng đạo, luận bàn việc văn hóa, kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa. Có thiền sư đã được mời đứng ra để tiếp sứ ngoại quốc.
Thế nhưng họ vẫn sống đạm bạc nâu sồng trong các tự viện, và chỉ vào cung khi có chỉ triệu mời. Giới trí thức đã nắm được tinh hoa của Phật học (tác phẩm của thời đại chứng tỏ điều ấy) có một nếp sinh hoạt tâm linh phong phú, giải thoát, siêu việt, và đã sử dụng cái học ấy để giúp cho xã hội, từ tinh thần kiến trúc đến công tác từ thiện xã hội.
Nhưng từ lúc cái học thi cử bắt đầu được tổ chức thì tình thế đổi hẳn. Người trí thức của thế hệ kế tiếp nhận thấy ở cái học ấy những phương tiện để bước lên nấc thang phú quý danh vọng.
Học kinh Lăng Nghiêm và thực tập tham thiền nhập định không có triển vọng bằng học Luận Ngữ và tập làm văn sách, thi phú. Thế là trí thức Việt Nam bỏ Phật học để theo cái học khoa cử với giấc mộng áo mũ cờ lọng và võng điều võng thắm.
Lịch sử ghi lại những gièm pha, những sàm tấu, những công kích đối với thiền sư và thiền môn. Các vị Tăng khi không được dùng nữa thì an nhiên trở về tự viện hành đạo, dạy học, ẩn mình, đúng như lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài Phóng cuồng ca:
"Thâm tắc lệ hề, thiển tắc kệ,
Dụng tắc hành hề, xả tắc tàng"
(Thượng Sĩ Ngữ Lục, Việt Nam Phật Điển Tùng San)
Người ta theo cái học mới cả rồi, thế hệ trẻ chen nhau vào cửa Khổng sân Trình cả rồi, nên thiền môn vắng bóng kẻ sĩ. Có lẽ chỉ cần một thời gian ba bốn chục năm thôi là Cao Tăng bác học trở nên thưa thớt.
Và Phật giáo, thiếu người trí thức, thiếu sự lãnh đạo, rơi xuống cho quần chúng bình dân gìn giữ, bảo vệ. Cũng do đó mà đạo Phật trong các thời đại sau này sẽ bị lấm lem bởi những màu sắc mê tín thần bí phức tạp mà ta còn trông thấy ở nền tín ngưỡng hiện đại.
Một số ít các bậc Cao Tăng không đủ để phát huy nền đạo lý chính pháp trong cả một xã hội khao khát tín ngưỡng như xã hội Việt Nam chúng ta. Và chỉ có những ai có duyên được gặp họ mới thấy được đạo Phật không phải chỉ là một ít nghi lễ để làm thỏa mãn những nhu cầu tín ngưỡng hàng ngày của quần chúng trong thôn lạc.
Bình luận