Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phải đem Phật giáo trở về phục vụ sự sống của nhân loại

Đạo Phật, khi ra đời, vốn nhắm mục đích phục vụ cho sự sống của nhân loại nhưng trong thế kỷ gần đây phần nào đã suy di cho đến nỗi chỉ biết phục vụ cho sự chết của nhân loại.

Nói ra ai cũng thấy đau xót cho cái tình trạng vừa bi thảm vừa khôi hài đó, nhưng kỳ thực ở Trung Hoa, ở Việt Nam, ở cả Nhật Bản nữa trong thế kỷ này, Phật giáo đã hiện hữu để lo cho cái phần ấy - phần cái chết, nhiều hơn.

Phat giao anh 1

Một số chùa mà không tổ chức kỳ siêu, đi đám ma, nhập liệm, làm tuần, làm thất, cúng thí thực cô hồn, cúng linh thì khó tồn tại. Bổn đạo không tới chùa, không ai cúng tiền cúng gạo cho nhà chùa. Cho nên chùa nào đi đám nhiều là chùa đó sung túc, chùa nào có nghĩa địa lớn và đẹp nhất là chùa giàu có.

Có những ngôi chùa đứng vững được là nhờ ruộng ký linh, hương hỏa hoặc là có vườn rộng rãi để an táng. Con cháu có mộ phần ông bà phải thường trực cúng kiếng trong chùa. Số lượng tín đồ thuần cẩn nhất là số lượng của những ông bà lớn tuổi, niệm Phật để dọn "đường về cực lạc". Có những vị Tăng lo xây tháp xây mộ trước cho mình.

Không ai nhận thức rõ rệt rằng đó là những sự thực. Đã đành vấn đề cái chết cũng là một vấn đề to lớn của sự sống, nhưng tại sao chú trọng quá đến cái chết như vậy? Vị năng sự sinh, yên năng sự tử?

Hướng đi của đạo Phật mà như thế thì thử hỏi sinh khí của đạo Phật còn gì? Đức Phật có ngờ đâu rằng giáo lý siêu việt và thực dụng của mình đã bị hướng về một mục đích quá nghèo nàn và khô héo như thế?

Sự thực mà chúng tôi vừa đưa ra đã có thể chứng minh rõ rệt rằng mọi hình thức và phương tiện nếu không được hướng dẫn để thực hiện đúng nguyên lý Phật học, để hợp thời cơ phục vụ cho con người, đều có thể biến thành sai lạc và phản lại đạo Phật.

Cho nên ở thế kỷ chúng ta, người Phật tử không thể không thâm nhập kinh tạng, thâm nhập hành trì để thể hiện tu chứng và nắm lấy những nguyên lý căn bản của nền triết học Phật giáo; người Phật tử không thể không buông bỏ những hình thức mệnh danh là đạo Phật mà kỳ thực tác hại không ít cho đạo Phật.

Nói tóm lại, người Phật tử không thể không lột bỏ cái xác già cỗi, cái đạo Phật bi thảm phản chiếu trong cái đĩa hát cải lương vọng cổ kia, cái đạo Phật yếu đuối trốn đời và vô ý thức kia, không thể không lột xác để làm sống dậy một đạo Phật trẻ trung đầy sinh lực, tiếp nối được dòng sinh hoạt truyền thống của những thế hệ Phật tử huy hoàng trong Phật giáo sử. Phải đem Phật giáo trở về phục vụ sự sống.

Thích Nhất Hạnh/Thaihabooks/NXB Văn hóa dân tộc

Bình luận

Ý kiến bạn đọc

Nổi bật
  • Mới nhất
Gửi bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

    Xem thêm bình luận

    SÁCH HAY

    Thông báo